Mới có 1 dự án điện gió gửi hồ sơ đàm phán
Trong Công văn 1553 gửi trực tiếp EVN ngày 20.3 về việc thỏa thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời (ĐMT), điện gió chuyển tiếp, Bộ Công thương đề nghị EVN khẩn trương phối hợp các chủ đầu tư để đàm phán, thống nhất giá điện trước ngày 31.3.2023, nhằm sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Chiều 23.3, trao đổi với Thanh Niên, đại diện EVN thông tin, đến nay chỉ có 1 bộ hồ sơ của chủ đầu tư dự án điện gió Nam Bình (Đắk Nông) có công suất 30 MW gửi đến EVN. Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã tiến hành đàm phán ngay với chủ đầu tư dự án này. Quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện cụ thể thế nào chưa được EVN tiết lộ. Tuy nhiên, đại diện tập đoàn nhấn mạnh: Mức giá đàm phán cho dự án điện gió chuyển tiếp trong khung giá trần do Bộ Công thương ban hành tại Quyết định 21 (ngày 7.1.2023), dưới mức trần 1.587,12 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) với dự án điện gió trong đất liền, chưa tính tỷ suất sinh lợi 12% theo quy định. Trước đó, ngày 9.3, thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, EPTC đã có văn bản gửi tới 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp có công suất trên 4.676 MW.
"Việc chưa nhận được hồ sơ của các chủ đầu tư đã khiến tiến độ đàm phán giá các dự án điện tái tạo chậm lại. Chủ đầu tư gửi hồ sơ thì chúng tôi mới có cơ sở để đàm phán một cách công khai, minh bạch. Sau đàm phán, tìm được tiếng nói chung về giá giữa chủ đầu tư và EVN rồi tập đoàn mới trình Bộ Công thương quyết. Về nguyên tắc, mức giá mua điện tại các dự án chuyển tiếp theo quy định phải thấp hơn hoặc bằng giá trần được Bộ đưa ra. Đặc biệt, không phải tất cả các dự án đều có mức giá như nhau theo khung giá này. Tùy vào hồ sơ của chủ đầu tư cung cấp, trong đó bao gồm các chi phí xây dựng, chi phí lắp đặt, nhân công, giá đền bù đất khi làm dự án… thì giá mua điện mỗi dự án có sự chênh lệch khác nhau", đại diện EVN cho biết.
Theo khung giá phát điện nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp do Bộ Công thương ban hành tại Quyết định 21, giá trần áp dụng cho nhà máy ĐMT mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh, ĐMT nổi 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh. Mức khung giá này thấp hơn 20 - 30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm trước đây.
Đề xuất lấy giá trần làm giá sàn mới?
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều nhà đầu tư dự án ĐMT, điện gió đều có chung nhận xét là khung giá mua vào áp cho dự án điện tái tạo chuyển tiếp quá thấp, doanh nghiệp lo khó cân đối tài sản, dẫn đến nguy cơ phá sản. Trước đó, 36 nhà đầu tư của 85 dự án điện tái tạo đã gửi đơn cầu cứu lên Chính phủ, cho rằng khung giá mua điện mới thấp quá, gây khó khăn cho chủ đầu tư. Tại cuộc họp với Bộ Công thương, EVN mới đây, nhiều nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ cho phép EVN huy động ngay sản lượng điện của các dự án đã hoàn thành thi công, thử nghiệm nhằm tránh lãng phí. Mức giá huy động tạm tính bằng 90% giá nhập khẩu điện tái tạo, tương đương 6,25 cent/kWh (khoảng 1.440 đồng/kWh).
Tuy nhiên, đa số chuyên gia đều cho rằng đề xuất của chủ đầu tư mua tạm bằng 90% giá nhập khẩu điện cũng không ổn. Bởi giá ĐMT hay điện gió không thể so với giá nhập khẩu được vì nhập khẩu phải bảo đảm nguồn ổn định, bất luận thế nào. Trong khi đó, ĐMT hay điện gió phát tùy khung giờ, tính ổn định chỉ tương đối; theo đó, giá cả trên đàm phán phải căn cứ từng khung giờ phát.
Chuyên gia tài chính Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng đưa ra một mức giá cụ thể cho các hợp đồng mua bán điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp bây giờ "khó như lên trời". Lý do, các dự án điện tái tạo không ổn định, phải lấy nguồn điện khác chạy bù nên mức giá đưa ra phải tính luôn cả những tính thiếu ổn định đó.
Theo TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, giá mua điện thực tế của các dự án chuyển tiếp sau đàm phán phải lấy mức trần tại khung giá là mức sàn mới hợp lý. Chẳng hạn, giá trần theo khung giá của Bộ Công thương quy định đối với dự án ĐMT nổi là hơn 1.500 đồng/kWh, nên lấy mức này là giá tối thiểu. Nếu nhà đầu tư chứng minh được các chi phí đầu tư đầu vào của mình cao có thể nhích lên với tỷ lệ cho phép. Khung giá của Bộ đưa ra dựa trên tính toán tham vấn từ các phương án giá của EVN đề xuất. Ở đây, EVN chịu trách nhiệm đi đàm phán theo các hướng dẫn, quy định của Bộ Công thương là đúng.
Chuyên gia năng lượng tái tạo Ngô Đức Lâm cho rằng "lỗi" lớn của ngành điện là quá "ưu ái" điện than vì giá bán rẻ. Nay đầu vào sản xuất điện than tăng, kéo theo giá sản xuất điện tăng, dẫn đến lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng và nguy cơ lỗ lũy kế đến hết tháng 6.2023 lên 65.000 tỉ đồng. Theo chuyên gia này, giá sản xuất điện loại nào cũng tăng, sao lại ép giá điện tái tạo rẻ.
"Giá mua vào điện tái tạo nay bị giảm một phần do phải gánh giá điện than đang quá cao. Thế nên, đàm phán giá mua điện tái tạo chuyển tiếp lúc này phải theo phương án tính ngược lại. Tức là trong bối cảnh vĩ mô cần kìm chế lạm phát, giá cả hàng hóa không thể leo thang, giá điện tăng trong mức chấp nhận được. Theo tôi, giá mua lại điện tái tạo lúc này nên cho thời gian mua ngắn hơn, trong 1 - 2 năm chẳng hạn, và nhà nước có thể hỗ trợ để kìm lạm phát. Mức giá tương đương hoặc cao hơn khung giá Bộ Công thương đưa ra", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.
Hiện chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo có giảm, nhưng những dự án này đều đã được thực hiện từ 2 - 3 năm trước, trong mùa dịch hoặc trước dịch, khi giá đầu tư còn cao. Thế nên, việc đàm phán phải đặt trong ngữ cảnh đó để phù hợp hơn. Nhà đầu tư nếu chứng minh được mình xứng đáng hưởng giá bán cao hơn, hãy chứng minh bằng hồ sơ.
TS Trần Văn Bình (thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới)
Bình luận (0)