Giá ngoại tệ ngày 3.4: USD tự do giảm sâu

03/04/2020 08:36 GMT+7

Giá USD sáng ngày 3.4 trên thị trường thế giới tiếp tục đà tăng, ngược lại đồng bạc xanh “chợ đen” trong nước lại giảm mạnh.

Ngày 3.4, Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 7 đồng, lên 23.239 đồng mỗi USD.  Giá USD trong các ngân hàng thương mại khá ổn định, Vietcombank mua vào ở mức 23.440 đồng/USD, bán ra 23.650 đồng/USD; tại Eximbank lần lượt là 23.460 đồng và 23.630 đồng. Ngược lại, trên thị trường tự do, đồng bạc xanh giảm khá mạnh, tới 60 đồng so với ngày 2.4, mua vào còn 23.685 đồng, bán ra 23.775 đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, trong tuần giao dịch từ ngày 23-27.3, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra tiền đồng (VND) đạt khoảng 140.778 tỉ đồng, bình quân 28.156 tỉ đồng/ngày, giảm 7.363 tỉ đồng/ngày so với tuần trước đó. Trong khi đó, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 354.704 tỉ đồng, bình quân 70.941 tỉ đồng/ngày, tăng 6.564 tỉ đồng/ngày so với tuần trước. Giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (71% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 01 tuần (13% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 83% và 6%.
Lãi suất USD bình quân liên ngân hàng trong tuần tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước. Lãi suất qua đên lên 0,96%/năm, 1 tuần lên 1,19%/năm; 2 tuần lên 1,41%/năm; 1 tháng lên 1,95%/năm; 3 tháng lên 2,19%/năm …
Giá USD trên thị trường quốc tế sáng 3.4 tăng mạnh so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-index tăng 0,7 điểm, lên 100,27 điểm. Tâm lý lo ngại của giới đầu tư vẫn tiếp tục tăng do dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân lớn nhất. Trong đó, Mỹ có thêm 28.295 người nhiễm mới, nâng số người nhiễm lên 243.298 người; số người tử vong tăng thêm 781 người, lên 5.883 người. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ vừa công bố phá vỡ kỷ lục với 6,65 triệu đơn, tăng gấp đôi so với mức 3,3 triệu đơn của tuần trước đó và vượt xa con số dự báo ở mức 3,6 triệu đơn. Lượng đơn thất nghiệp gia tăng dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ảnh hưởng nhiều nhất là ngành dịch vụ du lịch, giải trí và ăn uống.
Viện Quản lý Nguồn Cung Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 49,1 điểm trong tháng 3, giảm nhẹ so với 50,1 điểm của tháng 2, tuy nhiên tích cực hơn dự báo ở mức 44,9 điểm. Đồng thời, thời gian vận chuyển hàng hóa tại Mỹ đã tăng lên mức 65 điểm từ mức 57,3 điểm của tháng 2. Trước đây, chỉ số này tăng lên có nghĩa các hoạt động sản xuất tăng quy mô và thời hạn. Nhưng nay là do ảnh hưởng dịch bệnh làm chậm trễ thời gian vận chuyển hàng hoá.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.