Giá nguyên liệu giảm, giá hàng hóa vẫn tăng

10/10/2011 00:35 GMT+7

Giá hàng hóa thế giới vừa trải qua tháng giảm nhiều nhất kể từ cuối năm 2008. Hàng loạt sản phẩm như năng lượng, kim loại, ngũ cốc… đồng loạt giảm mạnh. Thế nhưng giá hàng hóa trong nước vẫn đứng ở mức cao.


Nhiều mặt hàng trong nước vẫn đứng ở giá cao và sắp tới sẽ còn tăng giá - Ảnh: D.Đ.M

Giảm nhiều nhất trong 3 năm

Trong tháng 9, chỉ số Standard & Poor’s GSCI của giá 24 loại hàng hóa mất 12% - tháng giảm nhiều nhất kể từ tháng 11.2008 và giảm tổng cộng 22% trong cả quý 3 vừa qua. Giá ngô có tháng giảm sâu nhất kể từ năm 1959, trong khi giá bạc giảm mạnh nhất từ năm 1980. Giá đậu tương kết thúc tháng với mức giảm chưa từng thấy kể từ năm 1974, trong khi giá vàng và đồng cùng sụt mạnh nhất từ cuối năm 2008. Tương tự, kết thúc quý 3 vừa qua giá cao su kỳ hạn cũng giảm tiếp 15% sau khi đã giảm ở mức tương đương trong quý 2/2011; mặt hàng bông - nguyên liệu chính của các nhà sản xuất vải cũng đã giảm đi 15,7% trong quý 3... Trong báo cáo về “Triển vọng kinh tế thế giới” công bố ngày 20.9 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo giá hàng hóa sẽ giảm vì nguồn cung lương thực tăng còn kinh tế toàn cầu chững lại gây sức ép lên nhu cầu kim loại cơ bản. IMF dự báo chỉ số giá hàng hóa phi nhiên liệu sẽ giảm 5,5% trong nửa cuối năm nay nhờ vụ mùa bội thu, trong khi giá các kim loại cơ bản sẽ giảm mạnh trong năm tới vì nguồn cung cải thiện.

Nhiều doanh nghiệp đang thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng. Bởi khi giá nguyên liệu tăng thì họ lấy lý do đó để điều chỉnh giá nhưng khi giá nguyên liệu giảm thì lại viện cớ nguyên liệu cũ vẫn tồn kho

Một cán bộ Sở Tài chính TP.HCM

Thế nhưng, giá hàng hóa trong nước vừa qua không hề thay đổi và vẫn duy trì ở mức cao. Theo đại diện các siêu thị tại TP.HCM, bước sang tháng 10, nhiều mặt hàng đang rục rịch tăng giá.

Thiếu sòng phẳng

Bà Dương Thị Quỳnh Trang - đại diện hệ thống BigC, cho biết việc giá nguyên liệu giảm nhưng giá hàng hóa giảm hay không là trách nhiệm của nhà sản xuất. Không dừng lại ở đó, một số mặt hàng lại đang rục rịch tăng giá. Ông Huỳnh Hữu Tuấn - Quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh cho biết: “Các nhóm hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm (phô mai, dầu gội…, sản xuất trong nước nhưng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu) được nhà cung cấp thông báo sắp tăng giá gần 10%. Theo dự đoán trong tháng 11 tới sẽ rộ lên chuyện tăng giá”. Tương tự, giá đường thế giới giảm nhiều nhưng giá đường trong nước vẫn không giảm mà ở mức rất cao…

Lãnh đạo một siêu thị lớn tại TP.HCM phân tích, do những ngành hàng mà các công ty, nhóm công ty chiếm thị phần lớn nên dễ áp đặt giá bán ra mà không sợ bị mất thị phần. Cái chính là phải chống độc quyền, mở cửa khuyến khích đầu tư, hoặc đầu tư cho các đơn vị trong nước để tăng tính cạnh tranh. Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công - chủ một trại heo ở Đồng Nai, cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi không giảm giá. Thay vào đó, các công ty này áp dụng hình thức khuyến mãi bằng cách mua vài tấn hàng thì tặng thêm vài bao. “Họ giải thích là do mua nguyên liệu giá cao đồng thời phải chịu lãi suất ngân hàng, phí vận chuyển tăng nên không giảm giá”, ông Công nói.

Ở một góc độ khác, ông Võ Văn Đức Bảy - Phó tổng giám đốc Công ty nhựa Chợ Lớn, giải thích: giá nguyên liệu nhựa thế giới giảm mạnh nhưng giá mua về tới nhà máy (tính đủ hết các loại chi phí) giảm không đáng kể, từ 3-5% tùy chủng loại. “Nguyên nhân chính là chúng tôi phải mua qua các nhà nhập khẩu trung gian. Những nhà nhập khẩu này giải thích do đã ký hợp đồng mua với giá cao từ trước nên chưa có nguyên liệu với giá thấp về tới VN được", ông Bảy nói. Ông cũng thừa nhận, nghịch lý này bản thân doanh nghiệp biết rõ. Nhưng để mua được nguyên liệu trực tiếp từ các đối tác nước ngoài thì mỗi hợp đồng phải lên đến vài chục container. Điều đó còn đòi hỏi người mua phải có kho dự trữ đủ lớn, nguồn vốn mạnh và nhân lực chuyên lo khâu thu mua nguyên liệu.

Doanh nghiệp thì đổ cho trung gian nhưng theo một cán bộ Sở Tài chính TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đang thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng. Bởi khi giá nguyên liệu tăng thì họ lấy lý do đó để điều chỉnh giá nhưng khi giá nguyên liệu giảm thì lại viện cớ nguyên liệu cũ vẫn tồn kho.

Mai Phương - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.