Giá nhà không giảm dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài

05/08/2020 13:52 GMT+7

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý 2 năm nay, cho thấy dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng giá nhà vẫn không giảm.

Giá nhà tăng so với cuối năm 2019

Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có thị trường bất động sản. Qua thống kê cho thấy, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý 1. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%. Nhà ở riêng lẻ cũng giá tăng khoảng 0,01% so với quý 1.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý 1. Trong đó, giá căn hộ phân khúc căn hộ cao tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân tăng khoảng 0,94%. Nhà ở riêng lẻ cũng tăng giá, tăng khoảng 0,15% so với quý 1.
Bộ Xây dựng cho biết, bất động sản công nghiệp nói chung vẫn thu hút khách thuê, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Còn bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán lại rất ít, giá không thay đổi so với năm 2019.
Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ, do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc có sự đàm phán, giảm khoảng 30 - 50% so với giá thuê trước đây, số mặt bằng trống tăng dần.
Phân khúc mặt bằng cho thuê đang gặp khó khăn. Giá thuê nhà mặt phố, nhà riêng tiếp tục giảm. Ở Hà Nội, giá chào thuê nhà phố, nhà riêng giảm từ 2 - 7% trong khi tại TP.HCM giảm tới 5 - 16% so với quý 1.
Bộ Xây dựng thống kê từ 54/63 địa phương, cho thấy trong quý 2 có hơn 29.000 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có hơn 1.300 giao dịch thành công (bằng 116% quý 1). Tại TP.HCM có gần 4.000 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý 1).
Lượng sản phẩm bất động sản giao dịch thành công trong quý 2 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130 - 140% so với quý 1 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Tính đến thời điểm đầu tháng 7, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại để kích cầu du lịch trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội, hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 - 40%.

Nguồn cung bất động sản mới vẫn có xu hướng giảm dù trong quý 2 Hà Nội và TP.HCM đã có cấp phép dự án mới

Ảnh Lê Quân

Nguồn cung nhà ở tiếp tục giảm

Về nguồn cung nhà ở trong quý 2 cũng giảm mạnh, có 94 dự án với hơn 19.500 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 16 dự án, với tổng số hơn 7.400 căn hộ (giảm 21,3% so với quý 1). Tại TP.HCM có 8 dự án, với tổng số gần 4.000 căn hộ (giảm 40% so với quý 1 và giảm 5,8% so với cùng kỳ quý 2.2019).
Trong quý 2, cả nước có 325 dự án với hơn 70.000 căn hộ được cấp phép; hơn 1.400 dự án với gần 247.000 căn hộ đang thi công xây dựng; 73 dự án với gần 9.000 căn hộ hoàn thành.
Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh so với quý 1. Cụ thể, tại một số địa phương trọng điểm như: Hà Nội cấp phép 8 dự án, tại TP.HCM cấp phép 4 dự án (quý 1 cả 2 thành phố này không có dự án nào được cấp phép).
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với gần 20.000 căn hộ du lịch và hơn 8.400 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng hơn so với quý 1. Cụ thể, tại một số địa phương trọng điểm: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án, tại Phú Yên cấp phép 2 dự án…

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 6.8: Thêm 4 ca mắc mới ở Hà Nội, Quảng Nam

Về tình hình cấp tín dụng cho bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn có xu hướng giảm. Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và trong nước. Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm nay của Bộ KH-ĐT thì vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 so với các lĩnh vực khác, với tổng vốn đăng ký gần 850 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.

Bản tin Covid-19 ngày 5.8: Một ngày thêm 43 ca bệnh mới, lây nhiễm cộng đồng lan đến Bắc Giang, Lạng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.