Giá ô tô lắp ráp tại Việt Nam thấp hơn xe nhập khẩu?

23/06/2017 06:00 GMT+7

Giá ô tô lắp ráp trong nước có cơ hội giảm mạnh để cạnh tranh với xe nhập khẩu, nếu đề xuất của Bộ Công Thương về việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có báo cáo đánh giá cũng như đề xuất các giải pháp phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam, trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý có đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ô tô.
Giá xe trong nước có cơ hội giảm mạnh
Theo một số chuyên gia trong ngành, nếu đề xuất này được thông qua, sẽ tạo ra nhiều ưu đãi lớn cho các liên doanh, doanh nghiệp phụ trợ trong ngành ô tô. Đồng thời “cởi nút thắt” giúp ngành ô tô trong nước có cơ hội phát triển để cạnh tranh với xe nhập từ ASEAN vào Việt Nam sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018.
Hyundai SantaFe - một trong những dòng xe SUV được lắp ráp tại VN 
Trên thực tế, phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước không chỉ có linh kiện lắp ráp nội địa hóa, mà còn bao gồm cả nhân công, nhà xưởng… Khi đó, những mẫu xe nào sản xuất trong nước được đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại, đồng thời có tỉ lệ nội địa hóa càng cao, càng tạo được lợi thế để giảm giá bán.
Đề xuất này của Bộ Công Thương nếu được thông qua, sẽ giúp giá xe lắp ráp trong nước (CKD) sau khi tính thuế TTĐB sẽ thấp hơn (tùy vào phần giá trị tạo ra trong nước) so với giá sau thuế TTĐB của xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Đó là chưa kể đến việc, sau khi đã tính thuế TTĐB, mức giảm sẽ tiếp tục tác động lên các khoản thuế, phí được tính tiếp theo cho mỗi chiếc xe, bao gồm: thuế giá trị gia tăng VAT, chi phí bán hàng… Điều này tạo cơ sở để xe lắp ráp trong nước có thể giảm giá bán cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Những mẫu xe có tỉ lệ nội địa hóa cao như Innova sẽ có khả năng giảm giá để cạnh tranh
Cứu cánh doanh nghiệp ô tô
Hiện tại chi phí lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang cao hơn ô tô sản xuất ở Thái Lan, Indonesia. Nguyên nhân chủ yếu do việc sản xuất ô tô trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistic và thuế nhập khẩu linh kiện lên. Theo tính toán của các chuyên gia, chênh lệch về chi phí sản xuất, sẽ khiến cho giá ô tô nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam thấp hơn từ 10 - 20% so với ô tô lắp ráp trong nước từ năm 2018. Điều này, tạo ra không ít khó khăn cho các đơn vị lắp ráp ô tô trong nước trong việc đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh về giá.
Áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu nguyên chiếc, khiến các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam gặp khó từ khâu định giá bán, nâng cao sản lượng tiêu thụ cho đến việc tạo dựng thị trường và nâng cao tỉ lệ nội hóa. Trên thực tế, từ đầu năm 2017, thay vì tiếp tục lắp ráp trong nước, một số mẫu xe như Toyota Fortuner hay Honda Civic đã được doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhằm cắt giảm chi phí để cạnh tranh về giá bán. Bởi theo tính toán của một số doanh nghiệp, khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN vào Việt Nam về 0% từ năm 2018, việc sản xuất ô tô trong nước vừa tốn kém, lại không hiệu quả kinh doanh bằng việc nhập khẩu. Điều này nếu, tiếp tục diễn ra trong tương lai sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa kịp lớn đã có nguy cơ đỗ vỡ.
Chi phí sản xuất láp ráp ô tô tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực
Chính vì vậy, việc Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam. Trong đó, có việc không đánh thuế TTĐB với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ô tô, nếu được thông qua sẽ “cứu cánh” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Bởi theo đại diện một hãng xe lắp ráp ô tô tại Việt Nam, đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị trong nước, nếu được thông qua sẽ khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa… từ đó tạo ra những dòng sản phẩm chiến lược để cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chính sách này sẽ tạo cơ hội cho cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Từ đó, có thể hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu, linh kiện để liên kết giữa với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong và ngoài nước. Đây được xem là cơ sở để phát triển ngành ô tô trong nước hướng đến việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn mục tiêu đề ra, khi chỉ đạt trung bình 7 - 10% trong khi một số nước trong khu vực đã đạt tới 60 - 80%.
Người Việt ngày càng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm ô tô
Ngoài đề xuất không đánh thuế TTĐB với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ô tô. Trong báo cáo đánh giá cũng như đề xuất các giải pháp phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương còn đề ra một số giải pháp như điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện, thu hút đầu tư cũng như các cơ chế ràng buộc trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu ô tô để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.