Giá ô tô nhập khó giảm

18/07/2017 11:07 GMT+7

Những đề xuất của Bộ Công thương trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đang khiến giấc mơ ô tô Việt được 'sống' lại, nhất là khi lệ phí trước bạ được điều chỉnh tăng thêm khiến giá xe nhập khẩu khó giảm như kỳ vọng.

Thuế giảm, phí lại tăng


Quan trọng nhất là quan điểm, là tư duy chúng ta phải tự tin làm được chứ không phải một bộ phận các bộ ngành cho rằng VN không làm được ô tô mà phải dành cho nước ngoài

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Vinaxuki

Thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm thêm 10% là một trong những nguyên nhân khiến lượng xe nhập khẩu từ khu vực này tăng nhanh trong thời gian qua. Số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm từ Tổng cục Hải quan cho thấy, cả nước nhập hơn 51.000 chiếc ô tô, trị giá 1,04 tỉ USD, tăng 2,9% về lượng, giảm 15% về trị giá so cùng kỳ năm trước. Thuế nhập khẩu giảm 10% tương đương giá xe bán ra giảm khoảng 5 - 7%, thậm chí một số dòng xe giảm giá từ 10 - 15% so với trước.
Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hưởng được ưu đãi thuế này khi Bộ Tài chính mới đây có Quyết định 942 điều chỉnh lại bảng giá tính lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy. Theo đó, có 135 loại ô tô nhập khẩu dưới 9 chỗ bị điều chỉnh tăng lệ phí trước bạ, mức chung là 10% nhưng mở cho phép các tỉnh thành được áp dụng mức cao hơn không quá 50%, tức lệ phí trước bạ ở mức cao nhất cho phép là 15%. Theo Nghị định 140/2016, đến năm 2018, các địa phương có thể tăng phí trước bạ từ 10% lên 15%, tại Hà Nội và TP.HCM tỷ lệ này sẽ tăng từ 12% lên 17 - 18%.
Mức tăng lệ phí này đã “dập tắt” giấc mơ sở hữu xe hơi nhập giá rẻ của người tiêu dùng. Theo ông Đặng Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty Chợ xe kiểu Mỹ, mục đích tăng lệ phí trước bạ nhằm chống gian lận thương mại của nhà nhập khẩu khi khai giá nhập thấp để hưởng thuế, phí thấp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này lại khiến không ít xe nhập đội lệ phí trước bạ lên thêm.
Ông Hiệp cũng nói thẳng, tâm lý chờ đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe về 0% sẽ mua được xe giá rẻ là điều không tưởng. Bởi thực tế, thuế nhập khẩu chỉ là một phần trong giá bán xe; nhiều loại thuế, phí khác vẫn đang được điều chỉnh theo hướng tăng và tính vào giá xe bán ra. Đặc biệt, nhìn vào những chính sách gần đây, có thể thấy các nhà làm chính sách đang có những động thái vừa hạn chế ô tô nhập khẩu vừa muốn hỗ trợ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này thể hiện trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, do Bộ Công thương chủ trì.
Lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN (Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN)
Sản xuất ô tô thương hiệu Việt
Sự kiện Campuchia công bố mẫu xe chạy điện gọi là Angkor do doanh nghiệp địa phương thiết kế và sản xuất với giá chưa tới 10.000 USD đã khiến ngành công nghiệp ô tô thế giới phải kinh ngạc. Thậm chí chiếc xe Angkor này còn được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như điều khiển bằng điện thoại thông minh, thẻ căn cước tần số radio (RFID) và hệ thống GPS. Trong khi đó, ngành công nghiệp VN được đánh giá phát triển hơn Campuchia nhưng tới nay vẫn chưa thể chế tạo được ô tô hay có những dấu ấn trong ngành công nghiệp này, và hệ quả là người tiêu dùng luôn phải mua xe với giá cao gấp 3 - 4 lần giá gốc.
Do đó, để phát triển ngành công nghiệp ô tô VN, Bộ Công thương đề xuất khuyến khích sử dụng xe sản xuất trong nước và có biện pháp bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại. Đặc biệt hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số sản phẩm chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực. Cụ thể là thay đổi giá tính thuế với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31.12.2022 và không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện, phụ tùng nội địa hóa nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước…
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), nhận xét các giải pháp của Bộ Công thương đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là có được Chính phủ thông qua và được áp dụng đồng bộ giữa các bộ, ngành hay không. “Đối với những loại xe thông thường có dung tích từ 2.0 L trở xuống thì VN hoàn toàn làm được. Các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đi lên từ con số không. Họ sản xuất từ xe giá rẻ rồi nâng dần lên xe cao cấp. Quan trọng nhất là quan điểm, là tư duy chúng ta phải tự tin làm được chứ không phải một bộ phận các bộ ngành cho rằng VN không làm được ô tô mà phải dành cho nước ngoài”, ông Huyên khẳng định.
Lấy ví dụ từ thực trạng của Vinaxuki, ông Huyên bức xúc cho rằng do chính sách không đồng bộ đã khiến doanh nghiệp phải điêu đứng. Bởi công ty đã đầu tư đúng quy hoạch, đúng chiến lược của ngành và thuộc diện được tái cơ cấu, được tiếp tục vay vốn để hoạt động. Tuy nhiên ngân hàng thương mại lại nhận định rằng việc đầu tư sản xuất phụ tùng phụ kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa không hiệu quả nên không tiếp tục cho vay. Trong khi đó, từ năm 2012, Công ty Vinaxuki đã sản xuất được nhiều phụ tùng như thùng vỏ xe, cabin... với tỷ lệ nội địa hóa từ 40 - 50% nhưng không nhận được ưu đãi nào của nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.