Giá sách giáo khoa

10/03/2019 07:51 GMT+7

Ngay trong ngày Thanh Niên đăng bài viết “Âm thầm” tăng giá sách giáo khoa? (6.3.2019), Bộ GD-ĐT đã họp đột xuất, yêu cầu NXB Giáo dục VN phải giữ nguyên giá sách giáo khoa năm học 2019 - 2020 như những năm trước.

Động thái này của Bộ GD-ĐT là rất đáng hoan nghênh. Song, cũng cần phải đề cập đến trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT, bởi lẽ NXB Giáo dục VN không thể “một mình một chợ” trong việc “âm thầm” tăng giá sách giáo khoa (SGK). Thậm chí, trong văn bản gửi đến các đơn vị trong hệ thống của mình thông báo dự kiến tăng giá SGK từ 10 - 40%, NXB Giáo dục VN cũng đã liệt kê “gốc gác căn cứ” là từ Bộ GD-ĐT hẳn hoi.
Vấn đề SGK đối với nền giáo dục có đến khoảng 20 triệu học sinh các cấp, với tổng số lượng khoảng 100 triệu bản SGK cùng khoảng 100 triệu bản sách bổ trợ với tổng doanh số gần cả ngàn tỉ đồng/năm, luôn là vấn đề hết sức quan trọng vì mức độ ảnh hưởng trực tiếp, rộng khắp đến hàng triệu gia đình.
Cũng cần phải nhắc lại yêu cầu của một số đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.9.2018, đó là việc cần phải sớm làm rõ có hay không “lợi ích nhóm” trong độc quyền in ấn, xuất bản SGK trong nhiều năm qua. Tiếp đó, Thanh Niên cũng khởi đăng loạt bài Cần làm rõ nhiều vấn đề tại NXB Giáo dục VN, nêu rõ những bất cập trong quản lý của NXB này, như kinh doanh theo cơ chế độc quyền khép kín, “hào phóng” chi những khoản hoa hồng, ồ ạt lên đời cơ sở vật chất, lãnh đạo “nở nồi”, lương tăng chóng mặt… Trong khi những bất cập khiến dư luận bức xúc chưa được NXB và Bộ GD-ĐT khắc phục triệt để, mà tiếp tục lại “nhắm” đến tăng giá SGK là khó có thể chấp nhận được.
Trong công văn hỏa tốc ngày 6.3 vừa qua của Bộ GD-ĐT có yêu cầu NXB Giáo dục VN tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên trên thực tế, giá bìa SGK với mức giá mới (tăng từ 10 - 40%) đã được in và chuyển đến nhiều đơn vị chuẩn bị phát hành cho năm học mới. Song song đó, sách bổ trợ với giá mới, có bộ tăng đến 46% cũng đã được in và chuẩn bị bán ra thị trường. Cũng cần phải nói rõ, sách bổ trợ là các sách, vở bài tập đi kèm SGK với con số lên đến khoảng 280 đầu sách do NXB Giáo dục VN chủ trì, được Bộ GD-ĐT giới thiệu đến các sở GD-ĐT, các trường nên học sinh buộc phải mua như mua SGK để phục vụ việc học tập chính khóa. Vì thế, yêu cầu không tăng giá SGK cũng đồng nghĩa với yêu cầu bắt buộc không được tăng giá sách bổ trợ.
Quyết sách lớn có ảnh hưởng đến đại đa số người dân, tác động lớn đến ổn định an sinh xã hội, không thể “tự biên tự diễn” trong “âm thầm”. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT phải tiếp tục có trách nhiệm rốt ráo trong việc công khai giám sát “chỉ đạo sửa sai” của mình, tránh tình trạng nhóm lợi ích trục lợi giá SGK trước thềm năm học mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.