Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2-3 lần: Vẫn chờ Bộ GD-ĐT lên tiếng

09/05/2022 11:12 GMT+7

Giá sách giáo khoa mới cao hơn ít nhất 2 - 3 lần sách giáo khoa cũ, số đầu sách tăng vọt, một số sách không cần thiết vẫn bắt học sinh mua... là những vấn đề dư luận đang chờ Bộ GD-ĐT lên tiếng.

"Chưa bao giờ sách giáo khoa vì mục đích lợi nhuận như bây giờ"

Một phụ huynh có con học lớp 9, chuẩn bị vào lớp 10 năm học tới, đã phản ánh tới Báo Thanh Niên về việc bộ sách giáo khoa lớp 10 năm học tới dạy theo mô hình các tổ hợp môn học, chuyên đề lựa chọn nên được các nhà xuất bản chia nhỏ, phát hành không phải theo môn học, mà theo chuyên đề.

Danh mục sách giáo khoa mới dài dằng dặc

NXB GDVN

Điều này dẫn tới một môn học có thể có rất nhiều sách giáo khoa khác nhau. Ví dụ, riêng môn học mỹ thuật lớp 10 đã có tới hơn chục đầu sách giáo khoa theo từng chuyên đề trong một môn. Môn giáo dục thể chất lớp 10 cũng có tới 4 sách giáo khoa ứng với 4 chuyên đề: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông

Kéo theo đó là giá bộ sách giáo khoa lớp 10 hiện tại đã từ 246.000 đồng/bộ lên đến 301.000 đồng/bộ (tuỳ thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn) thay vì 164.000 đồng/bộ như sách hiện hành, đó là chưa kể giá bộ sách mới chưa có sách tiếng Anh.

"Xé nhỏ nhiều nội dung ra để bán được nhiều sách, mục đích chỉ là thu lợi nhuận", là một bình luận khác của độc giả.

Đồng cảm với việc báo chí phản ánh về việc bộ sách giáo khoa mới "đẻ" ra quá nhiều cuốn sách không cần thiết, một phụ huynh khác chia sẻ: "Con tôi học theo chương trình mới đã 2 năm, thật sự là bộ sách giáo khoa quá lãng phí, bòn rút tiền phụ huynh khi mà nhiều cuốn sách cả năm không thấy thầy cô nhắc tới, học hết năm mà sách vẫn mới cứng, chưa hề mở ra để học".

Một độc giả khác thì ngán ngẩm bình luận: "Xưa nay sách giáo khoa chưa khi nào trở thành sản phẩm thương mại như bây giờ. Đến gia đình ở thành phố còn "cháy túi" với sách giáo khoa nữa là các gia đình ở nông thôn, miền núi".

Chia sẻ với tư cách là phụ huynh ở góc nhìn tốn kém nhưng lại không sử dụng, vị độc giả này viết: "Bản thân tôi là phụ huynh có con từng qua các cấp học, tôi thấy rõ thực trạng có nhiều quyển trong bộ sách từ khi mua đến khi hết năm học chưa từng sờ đến, còn mới tinh. Đó là sự lãng phí kinh khủng, và trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều, rất nhiều gia đình khó khăn".

"Thông thường cạnh tranh sẽ giúp giảm chi phí, riêng sách giáo khoa thì ngược lại!", một bình luận khác từ độc giả tỏ ra "kinh ngạc" trước việc vận hành nhiều bộ sách giáo khoa ở nước ta hiện nay.

Với cuốn sách giáo khoa tiếng Anh, sau bài phản ánh trên Báo Thanh Niên về "Mập mờ trong biên soạn, công bố sách giáo khoa tiếng Anh", một bạn đọc bình luận: "Tôi khẳng định tất cả sách giáo khoa tiếng Anh gọi là "mới", áp dụng cho năm 2022 nhưng thật ra là cũ rồi. Lên Google tìm nội dung là ra hết...".

"Người Việt còn kém về tiếng Anh chính là do giá các cuốn sách tiếng Anh quá cao. Không hiểu "đội giá" ở khâu nào khi mà 2 cuốn sách tiếng Việt và tiếng Anh có cùng số trang, cùng khổ giấy... nhưng giá cuốn sách tiếng Anh cao hơn tới 30 lần", là một bình luận khác của độc giả dưới bài viết nêu trên.

"Bộ GD-ĐT không nên im lặng khiến người dân hoang mang"

Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Bộ GD-ĐT và tất cả ban, ngành liên quan "vào cuộc" để chấm dứt tình trạng sách giáo khoa bị đội giá, gây tốn kém không cần thiết cho phụ huynh.

Cuốn sách giáo khoa giáo dục thể chất gây nhiều phản ứng về sự không cần thiết

cd

Anh Lê Hiệp, một phụ huynh có con học lớp 1 Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ: "Tôi được biết sắp tới Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội. Với tư cách là phụ huynh có con đi học, tôi rất mong Quốc hội có ý kiến chấn chỉnh về việc những cuốn sách giáo khoa không cần thiết mà vẫn bắt phụ huynh phải mua như sách giáo khoa thể dục, sách hoạt động trải nghiệm"...

Trao đổi với báo chí sau những thông tin về giá sách giáo khoa mới đang gây bức xúc dư luận, bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên, cũng nêu ý kiến: "Khi có vấn đề bức xúc, dư luận phản ứng mạnh mẽ, Bộ GD-ĐT cần tiếp thu, có câu trả lời thỏa đáng, thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ quản. Bộ không nên im lặng khiến người dân hoang mang".

Liên quan đến việc xuất hiện nhiều cuốn sách giáo khoa không cần thiết như thể dục, trải nghiệm, bà Minh Hiền cho rằng: "Ai cũng thấy giáo dục hiện nay, nhất là học sinh khối công lập, đang quá thiếu vận động. Xu hướng để trẻ tăng vận động, tự nâng cao năng lực để không phụ thuộc sách vở, nhất là một số môn học như trải nghiệm sáng tạo, giáo dục thể chất,… nên càng cần thiết tăng cường hoạt động ngoài trời. Vậy tại sao phải "đẻ" ra sách giáo khoa cho học sinh? Điều này vừa đội giá, vừa giống khuyến khích trẻ lười vận động".

"Tất nhiên học thì phải cần sách giáo khoa nhưng không phải bộ môn nào cũng bắt buộc phải mua sách. Những môn học như giáo dục thể chất, chỉ cần một giáo án dành cho giáo viên, bởi đặc trưng môn học là thực hành, không phải bộ môn lý thuyết", bà Minh Hiền nêu quan điểm.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng xu hướng thế giới và Việt Nam chắc chắn cũng như vậy. Chúng ta phải xác định học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, nơi thì cấp tiền, nơi thì cho mượn sách giáo khoa…

Riêng Việt Nam, theo ông Long, nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Do vậy, sách giáo khoa là mặt hàng mà nhà nước đặc biệt phải quan tâm, khi đại bộ phận người dân vẫn chưa có thu nhập cao, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi thì còn rất khó khăn, việc tăng giá sách giáo khoa gấp 2 - 3 lần cũng như tăng số đầu sách bắt buộc như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ.

PGS Ngô Trí Long cũng cho rằng, khi xã hội hóa sách giáo khoa thì đương nhiên có sự cạnh tranh. Các nhà xuất bản sẽ huy động được đội ngũ viết sách tốt nhất, sách được in ấn đẹp, bắt mắt nhất, thêm vào đó chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành… dẫn đến đội giá.

“Tôi không nói chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là sai, nhưng theo tôi do sách giáo khoa là mặt hàng đặc thù thì chúng ta chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá sách giáo khoa phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn sách giáo khoa như hiện nay”, ông Long đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.