|
Từ thuở mười tám đôi mươi, Công đã nhẩn nha hàng giờ với những giò lan rừng được đem về trồng trong phố. Sự thích thú đó ngấm dần vào người lúc nào chẳng hay. Và chính Công cũng chả hiểu được tại sao cái thú đó chẳng thể dứt ra, thành nghiệp chơi lan như ngày hôm nay. Thấy Công cho phân bón, tưới nước vào từng giò lan rừng và giới thiệu say mê thuộc tính từng loài mới cảm nhận phần nào cái câu ông bà nói “nghề chơi cũng lắm công phu”. Vườn phong lan rừng của Công có khoảng 800 loài cũng có thể xem là một trong những vườn lan đa dạng nhất VN hiện nay.
Lan rừng đỏng đảnh lắm
Sửa lại giò lan hoàng thảo đang bung hoa, Công kéo lại tấm lưới che bớt ánh nắng rọi vào. Những cánh lan màu tím Huế, đài màu trắng với cả vài chục bông. Công chia sẻ: “Chơi lan khó mà không khó. Quan trọng nhất phải có đam mê. Song chỉ thích thôi chưa đủ. Tôi phải lên mạng, qua sách báo và trải nghiệm nữa mới có thể trồng và nhân giống thành công nhiều giống lan thế này. Lan rừng cũng đỏng đảnh lắm. Chăm quá cũng chết mà bỏ bê một tuần là khác liền, có khi chăm cả năm mới lại cây. Đây không chỉ là toàn bộ cơ nghiệp của tôi mà còn cả tâm huyết 20 năm nay”.
Từ cậu thanh niên thích phong lan rừng ngày nào, giờ Công là một tay chơi chuyên nghiệp, được giới chơi lan, sành lan trong nước biết nhiều và nể về sự chịu khó lội rừng sâu tìm lan cho đến sự am hiểu về hoa lan rừng. Có dịp trò chuyện với Công, nghe anh nói vanh vách đặc điểm của cả trăm loại lan rừng một lúc mới hiểu sự dày công của người chơi. Công kể, nhiều giống lan anh phải trèo núi, vượt rừng sâu cả tuần mới kiếm được; chuyện leo cây cao hàng chục mét lấy lan, nhiều lần bị ngã cây, bị trượt chân xuống vực nguy hiểm. Nh̃ưng hễ nghe thông tin có vùng rừng nào còn lan quý là Công lại tìm đến.
|
|
Vườn lan hiếm
Khu vườn rộng gần 1.000 m2 của Công ở đường Lê Thánh Tôn (TP.Pleiku) là nơi nhiều người chơi lan, mê phong lan rừng tìm đến gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu hoặc thưởng lãm nhiều loài lan quý. Ở đây, lan ken dày lối đi từ trên giàn cao hay dưới đất với hàng trăm loài phong lan xanh tốt. Mùa nào hoa nấy. Vườn lan của Công luôn bung sắc, xanh tươi.
Công cho biết: “Nếu nói về lan rừng thì VN là một trong những cường quốc. Theo công bố mới nhất của Hội Hoa lan VN, hiện VN có 1.168 giống lan. Riêng vườn nhà tôi có khoảng 800 giống, trong đó có nhiều giống quý như trầm rừng, hoàng thảo... và cả loài hoàng thảo Công Võ có tên khoa học là Dedrobium Congiianum do tôi phát hiện”.
Chăm được lan rừng sống đã khó, cho hoa đẹp và giữ được cây nhiều năm càng khó. Nhiều nghệ nhân chơi lan cho biết phải chăm cây như chăm con mọn. Đặc biệt, trong quá trình chăm phong lan, Công còn tự thụ phấn cho cây, lấy quả để nhân giống trong vườn. Nhiều người chơi lan thường liên hệ với Công để trao đổi, buôn bán những giò lan quý với giá trị hàng chục triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Huyền, một người chơi phong lan rừng ở TP.Pleiku, nói: “Chơi được phong lan như Công quả thật hiếm. Tôi cũng trồng được vài chục giò lan rừng. Cuối tuần là tôi hay lên đây uống trà, “thưởng thức” lan với mọi người”.
Nói về cơ duyên tìm ra loài lan quý hoàng thảo Công Võ hay tên khác là bạch nhạn Tây nguyên, Công kể: “Vào một buổi chiều tháng 3.2016, tôi đang mỏi mắt nhìn lên những cây rừng cao vút trong vùng rừng sâu thuộc H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), bỗng thấy một cụm lan vài chục bông trắng phớt trên một cây cao. Nhìn kỹ lại thấy nó khác với những loại lan mình tìm lâu nay làm tim tôi đập nhanh hơn. Định thần lại, tôi kiếm cách leo lên lấy được cụm lan đang bung hoa. Nhìn những cành hoa mỏng trắng tinh khôi, tôi có cảm nhận đây là loài mới. Tôi cẩn thận chụp hình lại rồi đưa lan về. Tôi chụp tiêu bản, gửi email cho giáo sư người Nga Leonid A Veryanow - một chuyên gia về phong lan có uy tín trên thế giới. Và tin vui đến cũng rất nhanh vào ngày 28.4.2016: đây là loài mới, được Hiệp hội Hoa lan quốc tế công nhận”.
|
Những năm gần đây, nhiều người đổ xô vào rừng tìm lan, lấy sạch những giò lan tận rừng sâu, Công xót xa: “Mỗi lần lấy lan, mình không bao giờ lấy hết mà luôn chừa lại để lan còn tái sinh. Nhưng nhiều người tìm lan rừng quần nát, phá nát những loài lan quý, thấy rất xót. Cứ cái đà tìm lan rừng ồ ạt như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng lan rừng là không xa”.
Nghĩ vậy, Công gom những quả lan để lấy hạt vào rừng gieo, tránh cho nhiều giống lan khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hàng trăm quả giống các loại phong lan như mạc lan, thanh ngọc, hoàng thảo đơn cam, long tu, giáng hương... đã được Công thụ phấn từ vườn rồi được đưa trở lại rừng. Chuẩn bị cả năm trời, Công và những người bạn vào Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) - được công nhận là Vườn di sản ASEAN, đến độ cao 800 m so với mực nước biển, nơi có những cánh rừng rậm rạp và lớp thực bì dày, chia nhau từng quả lan rồi xé vỏ, lắc nhẹ tay để hàng triệu hạt lan bay trắng cả một vùng rừng với hy vọng hồi sinh cho những loài lan rừng.
Công nói: “Lúc gieo hạt cho đến khi lan sinh trưởng phải mất cả năm. Mình đã vẽ lại toàn bộ sơ đồ để còn đến kiểm tra kết quả. Nếu thành công sẽ làm tiếp. Từ việc trả nghĩa rừng, trả lại mầm sống cho tự nhiên này, mình hy vọng mọi người cũng có ý thức bảo vệ những loài lan rừng. Nhóm của mình cũng đã gieo hạt ở vùng rừng sâu của H.Tu Mơ Rông”.
Bình luận (0)