Theo Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE): Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong những nước có người mắc ĐTĐ cao nhất thế giới, với tỷ lệ bệnh nhân chiếm khoảng 5,4% dân số, nghĩa là có 5 triệu người Việt Nam hiện mắc ĐTĐ. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.
Tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm 50%. Có đến hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ tại nước ta không nhận thức được tình trạng bệnh của mình. Họ vẫn sống chung với bệnh trong cộng đồng.
Trong 50% số người được chẩn đoán và điều trị thì có đến 50% số người có biến chứng về ĐTĐ đó là biến chứng nhiều về tim mạch, tổn thương mắt…
Giáo sư Quang cho biết hiện số lượng bác sĩ nội tiết không đủ để điều trị số lượng lớn bệnh nhân ĐTĐ, việc kiểm soát tăng đường huyết trong bệnh viện không chỉ được thực hiện ở các khoa nội tiết chuyên về điều trị đái tháo đường mà cần được áp dụng ở tất cả các khoa điều trị khác.
tin liên quan
Đoạn chi do biến chứng bàn chân đái tháo đườngTheo ước tính trên thế giới, cứ 20 giây sẽ có một người bị đoạn chi do đái tháo đường.
Vì vậy, “trước thực trạng này, nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn cho bệnh nhân, cần có sự chuẩn hóa trong các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ĐTĐ, không chỉ cho các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, mà cả các bác sĩ đa khoa. Vì vậy, cần thiết thường xuyên tăng cường cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là kiến thức chuyên sâu trong việc kiểm soát tăng đường huyết nội viện và ngoại viện”, Giáo sư Quang chia sẻ.
Ngày 29.7, Chương trình Đào tạo quốc tế chuyên sâu về ĐTĐ (iSTEP-D) giai đoạn 2017-2018 đã khai giảng khóa đào tạo về kiểm soát tăng đường huyết nội viện với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Chương trình iSTEP-D do Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) và công ty Sanofi phối hợp thực hiện.
Chương trình iSTEP-D giai đoạn 2017-2018 tổ chức các lớp đào tạo dành cho 600 bác sĩ. Dự kiến sẽ có 8 khóa đào tạo trên toàn quốc về hai chủ đề chính là quản lý tăng đường huyết nội viện và quản lý tăng đường huyết ngoại viện. Chương trình có 4 trung tâm đào tạo gồm: Trường đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Nội tiết Trung Ương (Hà Nội).
Được biết, giai đoạn 2014-2016, chương trình iSTEP-D đã có 30 khóa đào tạo với sự tham gia của 1.500 bác sĩ từ 270 bệnh viện khắp toàn quốc.
tin liên quan
Tránh ngay những thực phẩm này để ngừa bệnh tiểu đườngNếu bị bệnh tiểu đường loại 2 hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thì việc lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh là một điều rất quan trọng.
Bình luận (0)