Không chỉ bệnh sốt xuất huyết (SXH), dịch tay chân miệng (TCM) tại TP.HCM cũng đang ở mức cảnh báo; dịch bệnh sởi, thủy đậu… có thể bùng phát nếu không tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ em.
Cảnh báo biến chứng nặng do tay chân miệng
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 2.562 ca TCM, trong đó 96% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1 - 5. Số ca mắc TCM tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Các quận, huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là: Bình Tân, Khu vực 3 của TP.Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp.
Còn theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc TCM được thống kê thấp, nhưng đã tăng liên tục trong 2 tuần gần đây. Theo giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tháng 5 ghi nhận 18 ca mắc, tăng so với tuần trước đó 6 ca. Theo thống kê của tuần gần đây nhất (từ 14 - 20.5), Hà Nội ghi nhận 85 ca mắc tại: Đông Anh, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Đình, Hoài Đức. Số mắc trong tuần gần đây tăng cao hơn hẳn so với tuần trước đó (48 ca).
Cũng theo thống kê, số ca mắc TCM tại Hà Nội có xu hướng tăng rõ trong 2 tuần gần đây. Nếu 4 tháng đầu năm nay ghi nhận 40 ca mắc TCM, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (154 ca). Nhưng thống kê mới nhất, đến 21.5, Hà Nội đã ghi nhận 175 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (170 ca).
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư và một số BV trên địa bàn Hà Nội, khoảng 2 tuần gần đây gia tăng các trẻ mắc TCM được cha mẹ đưa đến khám; đã ghi nhận các trường hợp nặng phải nhập viện. Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới (BV Nhi T.Ư) những ngày gần đây thường tiếp nhận
15 - 20 ca mắc TCM điều trị nội trú do diễn biến nặng hơn mức bình thường. Số ca nhập viện có xu hướng tăng trong khoảng 2 - 3 tuần gần đây, trong khi trước đó chỉ ghi nhận rải rác.
Giám sát viêm gan “bí ẩn”, đậu mùa khỉ
Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian tới, thời tiết khí hậu nóng ẩm, việc giao lưu đi lại,... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các bệnh như: SXH, TCM, tiêu chảy do vi rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà... và có thể bùng phát dịch bệnh.
Bộ Y tế cũng lưu ý các tỉnh, thành chủ động phòng chống dịch lưu hành trong nước, cần chú trọng giám sát các ca bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập như: đậu mùa khỉ; viêm gan “bí ẩn” do vi rút ở trẻ em; tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Y tế các địa phương cần phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur (Bộ Y tế) để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Bình luận (0)