Gia tăng chấn thương khi chơi thể thao

16/03/2019 04:59 GMT+7

Thể thao nhằm tăng cường sức khỏe, tuy nhiên việc chơi thể thao không đúng cách, chơi quá sức... có thể gây chấn thương nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Tại các bệnh viện (BV) gần đây tiếp nhận nhiều ca chấn thương do đứt dây chằng chéo khớp gối, viêm gân, chấn thương vùng kín, thậm chí đột quỵ.

Muôn kiểu chấn thương

Tại Khoa Y học thể thao (TT) của BV Nhân dân 115 TP.HCM lúc nào cũng đầy bệnh nhân (BN) chơi TT (dạng phong trào) bị chấn thương. BN Nguyễn Văn Hoàng Vũ (18 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vừa mới mổ tái tạo dây chằng trước gối (phải) cách đây 4 ngày, kể: Tuần trước khi anh đang dẫn bóng thì đối phương tranh bóng khiến cả 2 cùng ngã. Anh bị trẹo chân, đầu gối (phải) sưng phù, cứ tưởng gãy chân. Anh đi khám ở một BV và được bác sĩ (BS) chẩn đoán… bình thường. Một tháng sau thấy chân đỡ đau nên anh chơi cầu lông, nhưng khi vừa nhảy lên đập cầu thì bỗng nghe tiếng “rắc”, đầu gối lỏng ra. Anh lại đến BV khác ở địa phương khám và được chẩn đoán rách bán phần dây chằng chéo trước... Hôm sau anh đến BV Nhân dân 115 TP.HCM khám, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy anh bị đứt dây chằng chéo trước gối phải, vỡ sụn, tràn dịch khớp khối.
Ở giường bên cạnh, anh Nguyễn Bá Luân (32 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) khi chơi đá banh thì bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước chân trái, rách chằng chéo sau, rách sụn trong và ngoài. Thống kê của BV Nhân dân 115 cho thấy số ca chấn thương TT gia tăng: Năm 2016 BV điều trị 1.184 BN, năm 2017 là 1.195 BN và năm 2018 là 1.220 BN.
BS Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm nam học, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết trung tâm vừa tiếp nhận nam BN là sinh viên 22 tuổi vào cấp cứu do tinh hoàn trái bị vỡ nát, tụ máu... buộc phải phẫu thuật cắt bỏ, và cố định tinh hoàn phải. Sau khi phẫu thuật, BN này cần khám lại vì chấn thương có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản. Trước đó, trung tâm nam học tiếp nhận một BN nam, 23 tuổi, bị gãy dương vật do trúng quả bóng bạn đá.
BS Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Châm cứu T.Ư (Hà Nội), cho biết BN đến BV nhiều nhất là bị viêm gân khuỷu tay, vai do chơi tennis.
Theo BS Trần Văn Dương (Khoa Y học TT, BV Nhân dân 115), môn TT hay gặp chấn thương nhất là những môn có tranh chấp đối kháng như: võ thuật, quyền anh, bóng rổ, bóng đá… Lứa tuổi hay gặp chấn thương TT là từ 20 - 45 tuổi.

Những sai lầm cần tránh

BS Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, sai lầm hay gặp là người chơi TT không kiểm tra sức khỏe. Trong khi đó, người chơi TT có thể có bệnh tiềm ẩn hoặc bệnh mới phát sinh như: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành có thể gây các sự cố khi chơi TT gắng sức như đột quỵ; người bị loãng xương mà không kiểm tra khi chơi TT rất dễ bị chấn thương.
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cảnh báo chấn thương TT nếu không được quan tâm thì dễ bị bỏ sót, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, bị hạn chế lao động. Nếu bị chấn thương não mà không được phát hiện, chăm sóc tốt sẽ dễ bị di chứng như run tay chân, rối loạn vận động.
“Ngày nay ai cũng tập TT với nhiều môn; mỗi môn tập đều có nguy cơ chấn thương. Y học TT giờ đây không chỉ là chữa chấn thương mà còn phải dự phòng”, PGS-TS Hệ lưu ý.
Theo BS Trần Văn Dương, hiện tại trong nước có nhiều cơ sở có thể điều trị được các chấn thương TT. Ở phía bắc có BV thể thao VN, BV Hữu nghị Việt Đức, BV Xanh Pôn; TP.HCM có BV Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương; Khoa Y học TT (BV Nhân dân 115).

Phòng tránh chấn thương thể thao

BS Trần Văn Dương, Khoa Y học TT, BV Nhân dân 115 TP.HCM, khuyến cáo cần phải lựa chọn đúng thời gian tập thể thao, chọn môn phù hợp lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe.
Cần khởi động làm nóng từ 15 - 30 phút trước khi tập. Phải được trang bị đầy đủ các dụng cụ chuyên dùng phù hợp với môn thể thao tập luyện. Không tập thể thao thời gian kéo dài và tập nặng dễ sinh quá tải, sẽ dẫn đến chấn thương. Khi gặp chấn thương, không tự điều trị mà cần đến các BV có chuyên khoa điều trị đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.