Gia tăng tỷ lệ mắc bệnh dại do mèo cắn

02/01/2024 04:03 GMT+7

Các mẫu xét nghiệm giám sát mới nhất trong năm 2023 ghi nhận ca bệnh dại do mèo cắn đã chiếm khoảng 10%, trong khi nhiều năm trước, gần 100% ca bệnh dại do chó cắn.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh (Bộ Y tế), các năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 500.000 người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng dạị.

Trong năm 2023, cả nước có 498.708 người phải tiêm vắc xin dại do bị chó, mèo cắn (cao nhất là tại miền Nam với 293.000 trường hợp, miền Bắc 128.083, miền Trung 66.302 trường hợp...). Cả nước ghi nhận 80 ca mắc bệnh dại, tăng 14,3% so với năm 2022. Riêng khu vực miền Bắc ghi nhận 31 ca bệnh dại, tăng so với năm 2022 (ghi nhận 27 ca) tại 14 tỉnh thành. Số mắc cao ghi nhận tại Nghệ An (7 ca) và Điện Biên (6 ca).

Gia tăng tỷ lệ mắc bệnh dại do mèo cắn- Ảnh 1.

Người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi

Shutterstock

Đáng lưu ý, trong số các ca bệnh dại có kết quả xét nghiệm, 10% ca bệnh có nguyên nhân do mèo cắn, trong khi nhiều năm trước, hầu hết các ca bệnh dại do chó cắn. Bệnh nhân là nam giới bị chó cắn cao hơn nhiều so với nữ giới (62% so với 38%).

Tại miền Bắc, bệnh dại ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng ghi nhận theo mùa. Số ca bệnh dại thường cao hơn vào các tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10. Các ca bệnh dại ghi nhận ở tất cả các độ tuổi, không có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm tuổi. Độ tuổi lao động (25 - 49) chiếm tỷ lệ cao nhất (39%) trong các trường hợp bị chó dại cắn; 24% dưới 15 tuổi; 20% từ 15 - 24 tuổi; 17% trên 50 tuổi. Kết quả giám sát trong 10 năm (2012 - 2022) cho biết tỷ lệ tử vong do bệnh dại ghi nhận gia tăng ở khu vực Tây nguyên và miền Nam.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo lạ.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương. Không được băng kín vết thương.

Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh khi đã lên cơn dại gần như tử vong 100%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.