Cụ thể, giá thép xây dựng so với lần điều chỉnh vào khoảng giữa tháng 1 thì từ đầu tháng 2, Thép Việt Nhật là thương hiệu tăng giá mạnh nhất với mức tăng 710.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. 2 sản phẩm này đều có giá 15,58 triệu đồng/tấn.
Từ đầu tháng 2, Thép Hòa Phát điều chỉnh tăng 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240. Giá bán của 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát ở khu vực miền Bắc hiện tại là 15,45 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn.
Còn tại khu vực miền Trung và miền Nam, thép cuộn CB240 của Hòa Phát cũng tăng lần lượt 560.000 đồng/tấn và 460.000 đồng/tấn, giá bán 15,42 triệu đồng/tấn và 15,37 triệu đồng/tấn.
Cũng từ đầu tháng 2, thương hiệu Thép Việt Ý tại miền Bắc tăng 500.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán tăng lên mức 15,4 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này tại miền Bắc cũng tăng 500.000 đồng/tấn, lên giá 15,5 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu Thép Việt Sing cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn CB240 tại miền Bắc tăng 510.000 đồng/tấn, lên mức 15,33 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn D10 CB300 của Việt Sing tại miền Bắc tăng 510.000 đồng/tấn, giá 15,43 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu Thép Tung Ho tại miền Nam cũng tăng 460.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức giá 15,53 triệu đồng/tấn. Sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này hiện có giá 15,48 triệu đồng/tấn, tăng 610.000 đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Bắc tăng 500.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức giá 15,2 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn D10 CB300 của Việt Đức tại miền Bắc tăng 600.000 đồng/tấn, giá tăng lên 15,5 triệu đồng/tấn…
Theo một số chuyên gia, việc giá thép xây dựng tăng mạnh có nguyên nhân tiêu thụ trong nước tăng do nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân tăng trong dịp đầu năm. Đồng thời, trên thế giới, tình hình giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép vẫn còn phức tạp.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 2022 là năm ngành thép gặp nhiều thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cá nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ.
Chỉ tính riêng tháng 12.2022 so với cùng kỳ năm 2021, sản xuất thép giảm hơn 21%; bán hàng thép các loại cũng phục hồi nhưng so với năm 2021 vẫn giảm hơn 13%.
Sản xuất thép thành phẩm quý 4.2022 đạt 6 triệu tấn, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm quý 4.2022 đạt 5,99 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021 (xuất khẩu đạt hơn 1,4 triệu tấn, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2021).
Cũng theo VSA, thống kê chung sản xuất thép thô cả năm 2022 ước đạt 23 triệu tấn, tương đương so với năm 2021; sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 31 triệu tấn, giảm khoảng 5% và bán hàng thép thành phẩm xấp xỉ 27,5 triệu tấn với mức giảm tương đương. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại năm 2022 cũng giảm khoảng 15 - 16% so với năm 2021.
Bình luận (0)