Giá thịt lợn 'vỡ trận': 'Trị' găm hàng khiến giá thịt lợn tăng cao

26/12/2019 07:11 GMT+7

Giá thịt lợn tăng kỷ lục là một trong những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì vào hôm qua (25.12).

Bộ NN-PTNT lên kịch bản bù đắp thịt lợn

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đang có hiện tượng găm hàng đối với thịt lợn. Cụ thể, vừa qua, khi kiểm tra ở Bắc Giang, ghi nhận nhiều nơi giá lợn hơi lên tới 140.000 đồng/kg mà người nuôi chưa bán. Thậm chí, ở Hưng Yên giá lên tới 160.000 - 170.000 đồng/kg song người dân vẫn giữ hàng chờ tết.
Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng “không để thiếu thịt lợn; nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN-PTNT tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn lợn an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông thịt heo giữa các địa phương, kiểm soát chặt việc buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới. Đồng thời, có giải pháp dự phòng trong việc cung ứng thịt trong dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng đối với thịt lợn.

Tiểu thương sợ… “chết” vì giá thịt lợn tăng phi mã mỗi ngày

Cũng hôm qua, Bộ NN-PTNT đã công bố 3 kịch bản tái đàn lợn để bù đắp, đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Cụ thể với kịch bản thứ nhất, nếu cơ sở chăn nuôi tái đàn từ tháng 10, nguồn cung thịt lợn sẽ được bổ sung từ cuối quý 1/2020 và từ quý 2/2020, sản lượng lợn xuất chuồng sẽ tiếp tục tăng. Đối với 17 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, trong quý 1/2020 cho phép xuất chuồng 220.000 - 230.000 tấn thịt. Các quý tiếp theo sẽ tăng khoảng 40.000 - 65.000 tấn và đáp ứng phần nào cho thị trường.
Kịch bản thứ hai, các cơ sở tái đàn từ quý 1/2020, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý 2/2020. Kịch bản thứ ba, nếu dịch tái bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng, việc tái đàn không hiệu quả; các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng... nguồn cung thịt lợn có nguy cơ khủng hoảng nặng.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, dù được bù đắp bằng các thực phẩm khác như thịt gia cầm, trứng; thịt trâu, bò, dê; thủy sản... với tổng lượng tăng trên 400.000 tấn so với năm 2018 nhưng thịt lợn vẫn là thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, Bộ yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp theo kịch bản thứ nhất là tốt nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.