Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, vì sao ?

24/12/2007 22:13 GMT+7

Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần trong vòng 2 tháng 10 và 11 vừa qua, bất chấp những nỗ lực bình ổn thị trường của cơ quan quản lý.

Ông Hoàng Kim Giao - Phó cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong tháng 10 và tháng 11, các doanh nghiệp đã 8 lần điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm, đẩy giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng bình quân 35 - 50% so với đầu năm 2007. Trong đó, thức ăn hỗn hợp vỗ béo cho lợn tăng từ 3.400 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp vỗ béo gà thịt từ 4.400 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg...

Theo tính toán, chi phí cho thức ăn chăn nuôi chiếm tới 65 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã đẩy giá thực phẩm không ngừng leo thang, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là những người nông dân nghèo. Dù giá thực phẩm vừa qua tăng cao nhưng với nhiều hộ chăn nuôi nghèo, việc giá thức ăn chăn nuôi quá cao khiến họ không đủ sức đầu tư sản xuất.

Lợn, gà... chủ yếu ăn "đồ ngoại"

Ông Suwes - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam - khẳng định: "Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không muốn tăng giá. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng quá cao khiến chúng tôi phải liên tục điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi". Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, so với đầu năm 2007, giá ngô hạt tăng từ 3.400 đồng/kg lên 4.200 đồng, giá khô dầu đỗ tương từ 4.200 đồng/kg lên 7.700 đồng/kg, cám gạo từ 3.070 đồng/kg lên 4.100 đồng/kg...

Tại hội thảo tìm giải pháp bình ổn giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Bùi Thị Oanh - Trưởng phòng Chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) - cho biết, Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi (đang phải nhập khẩu từ 20 - 25% nguyên liệu giàu năng lượng, 65 - 70% nguyên liệu giàu đạm và 85 -  90% thức ăn bổ sung để chế biến thức ăn chăn nuôi). Trong khi đó, sản lượng Ethanol trên thế giới (được sản xuất chủ yếu bằng ngô, khô đậu tương) tăng nhanh, từ 10.770 triệu gallon (năm 2004) lên 13.500 triệu gallon (năm 2007). Điều này cộng với việc Trung Quốc từ một nước xuất khẩu ngô và đậu tương đã chuyển sang nhậåp khẩu một lượng lớn mặt hàng này, Mỹ giảm diện tích trồng đậu tương... càng khiến giá nguyên liệu tăng cao.

"Chính phủ các nước sản xuất ngô, đậu tương trên thế giới cắt giảm mức bảo hộ trực tiếp cho nông nghiệp khiến giá của mặt hàng này đã trở về với giá thực tế sản xuất; chi phí vận chuyển tăng (cước vận chuyển nông sản từ Mỹ về Việt Nam hiện nay tăng 60% so với trong tháng 1.2007); doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi không thể mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân do việc hoàn thuế VAT phức tạp... là những nguyên nhân khác khiến giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tăng cao" - bà Oanh cho biết thêm. 

Bà Khổng Thị Việt Hằng - phụ trách mua của Công ty Proconco - nêu lên một thực tế: "Người nông dân thường bán nông sản với giá rẻ nhưng chúng tôi không thể thu mua trực tiếp từ họ một phần vì họ chưa có điều kiện để sấy ngô, sắn..., phần khác công ty không đủ nhân lực để mỗi ngày có thể thu mua vài trăm tấn nguyên liệu. Vì vậy, chúng tôi phải mua nguyên liệu qua trung gian với giá cao hơn, nhiều đầu mối trung gian đã gom hàng đầu cơ để đẩy giá lên rất cao".

Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu

TS Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học về thị trường giá - phân tích: "Trong thời điểm này, chúng ta không thể giảm giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi xuống được mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp để kéo giảm tốc độ tăng giá của các mặt hàng này". 

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình hoàn thành văn bản đề xuất giải pháp bình ổn giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Theo đó, một trong những biện pháp được đề cập là tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bột mì, đậu hạt các loại, L - Lysine, Whey xuống 0%. Bên cạnh đó, sẽ cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khô dầu đậu tương, vỏ đậu tương ép, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc, cám mì, cám một số loại ngũ cốc khác, bột cá và đường lactose; đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế VAT đối với sắn, ngô, đậu tương để doanh nghiệp mua nguyên liệu trực tiếp từ người nông dân...

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.