Giả thuyết gây sốc: Pin lithium làm máy bay MH370 cháy nổ

17/10/2015 16:30 GMT+7

(TNO) Máy bay MH370 đã bốc cháy vì nguồn năng lượng từ những thỏi pin… điện thoại trên máy bay? Sẽ không phải chuyện đùa, nếu căn cứ theo một số diễn biến gần đây, theo The Daily Beast.

(TNO) Máy bay MH370 đã bốc cháy vì nguồn năng lượng từ những thỏi pin… điện thoại trên máy bay? Sẽ không phải chuyện đùa, nếu căn cứ theo một số diễn biến gần đây, theo The Daily Beast.

Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) có bằng chứng cho thấy khả năng một lượng pin Li-ion nhất định có thể phá hủy một chiếc máy bay nếu pin bốc cháy - Ảnh: ReutersCục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) có bằng chứng cho thấy khả năng một lượng pin Li-ion nhất định có thể phá hủy một chiếc máy bay nếu pin bốc cháy - Ảnh: Reuters

Những kiện hàng chở pin lithium ion (Li-ion, dùng cho điện thoại di động và laptop) rất có thể là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Trang tin Mỹ The Daily Beast trong bài viết ngày 15.10 dẫn ra những lập luận cho thấy nguồn năng lượng ấy đủ sức khiến cả một chiếc Boeing phải bốc cháy.

Ngày 15.10 cũng là lúc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ban hành cảnh báo “nguy cơ cấp bách” về việc cho phép các lô hàng pin Li-ion được chở theo những chuyến bay. Hãng máy bay Boeing sản xuất chiếc Boeing 777 của chuyến bay MH370 gặp thảm họa năm ngoái cũng từng đưa ra cảnh báo tương tự.

Chuyên gia hàng không Clive Irving cho rằng do pin Li-ion chở theo MH370 phát cháy gây hoả hoạn trong máy bay, tổ lái cố gắng cho máy bay quay lại đáp xuống một sân bay gần nhất trên đảo Langkawi nhưng bất thành vì trục trặc hệ thống kỹ thuật, nên máy bay bay thẳng xuống nam Ấn Độ Dương.

Angela Stubblefield, chuyên gia phụ trách quản lý những chất độc hại của FAA, nói rằng giờ đây cơ quan này đã có bằng chứng cho thấy pin lithium ion có thể gây cháy nổ và đủ khả năng phá hủy một chiếc máy bay. Và tương tự Boeing, hãng Airbus cũng tiến hành “đánh giá rủi ro” về cái gọi là “số lượng lớn” pin trong các chuyến hàng, dù chưa thể đưa ra phương pháp định lượng cụ thể, theo The Daily Beast.

Công bố của bà Angela Stubblefield hôm 15.10 ủng hộ giả thuyết trong quá trình điều tra trước đây cho rằng MH370 đã phát cháy trên không, làm tê liệt mọi hệ thống liên lạc và điện, từ đó mất tín hiệu liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Nếu đi sâu vào nguyên nhân này, vấn đề là MH370 phát nổ do đâu, có chắc là từ việc pin Li-ion hay không, và số lượng pin đó tại sao lại được cho phép chứa trên máy bay, và nếu có thì nó chứa ở đâu trên máy bay?

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 7.3.2014, chính phủ Malaysia phát hiện một lô hàng pin Li-ion trên máy bay MH370. Tuy nhiên, không có cuộc thẩm định nào về độ an toàn của khoảng 227 kg pin Motorola trên máy bay thời điểm ấy, theo Daily Star.

Tiến sĩ Victor Ettel, một chuyên gia về khoa học và sản xuất pin Li-ion cho rằng kinh nghiệm từ các đám cháy do pin này gây ra trước đó cho thấy “rất khó để dập tắt bằng phương pháp thông thường”, theo The Daily Beast.

Theo đó, điều quan trọng hơn nữa là một trong những kiện hàng này được đặt gần khu vực được coi là bộ não của toàn bộ chiếc Boeing 777: Trung tâm thiết bị chính (MEC). Hệ thống điện của máy bay vì thế có thể bị tê liệt và thảm họa từ đó xảy ra.

Tất cả những chiếc máy bay đều trữ bình chữa cháy, tuy nhiên theo ông Victor Ettel, lượng khí halon dùng dập lửa có thể không đủ hoặc không kịp nếu đó là cháy do pin Li-ion.

Ông giải thích: “Các chất điện phân hữu cơ trong pin Li-ion phân hủy ở nhiệt độ cao, tạo khói độc trong đó có flo và thậm chí là thạch tín”. Chính lượng khói độc và dày đặc này cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhân viên máy bay và hành khách mất năng lực dập lửa.

Hiện tại vẫn chưa thể kết luận được đây có là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa MH370 hay không. Tuy nhiên, sự cảnh báo của FAA và những hãng sản xuất máy bay cũng là điểm cho thấy đã đến lúc vấn đề đảm bảo chất lượng những loại pin Li-ion cũng như việc giới hạn lượng pin này trong các chuyến bay là cần thiết.

Có khoảng 5 tỉ thỏi pin Li-ion được sản xuất trên thế giới mỗi năm. Không ai biết bao nhiêu trong số này được vận chuyển thương mại, sử dụng bằng đường hàng không, nhưng với nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao như hiện nay dự kiến sẽ đẩy số lượng pin Li-ion sản xuất lên 8 tỉ vào năm 2025, The Daily Beast cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.