Trên bề mặt đầy bụi, nứt nẻ của lòng hồ khô cạn ở Thung lũng chết tại California (Mỹ), những hòn đá bất chấp kích cỡ cứ lặng lẽ tự mình di chuyển dọc theo sa mạc. Trên đường đua cằn cỗi, các “đấu thủ” (có khi nặng gần 320 kg), để lại đằng sau những vệt dài trên cát, đánh dấu những chuyển động chẳng thể nào lý giải nổi dưới con mắt khoa học. Điều khó hiểu ở đây là chẳng rõ tại sao đá lại “mọc chân” đi được (có vệt dài gần 180 m). Bất chấp sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, các chuyên gia vẫn bó tay không xác định được nguồn lực ma thuật đằng sau những chuyển động của các khối đá vô tri vô giác.
|
Sau gần 1 thế kỷ bị che phủ bởi bức màn thần bí, huyền thoại đá biết đi ở Thung lũng chết cuối cùng có thể đã được khám phá, sau khi một nhà địa chất học của NASA tuyên bố rằng mình đã tìm được câu trả lời. Theo tạp chí Smithsonian, Giáo sư Ralph Lorenz cho rằng các tảng đá được bao bọc bởi băng giá vào mùa đông, và đến khi lòng hồ tan ra và trở nên lầy lội, lớp băng cho phép hòn đá nổi trên mặt bùn, giúp chúng dễ dàng được gió sa mạc đẩy đi khắp chốn. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí của Mỹ, ông tóm tắt phát hiện mang tính đột phá như sau: “Về cơ bản, khi một lớp băng hình thành xung quanh hòn đá và hàm lượng chất lỏng thay đổi khiến viên đá nổi trên mặt bùn”.
Tính đến giờ phút này, chưa có chuyên gia nào đủ khả năng ghi nhận được sự di chuyển của đá. Người ta cho rằng trên thực tế chưa từng có ai chứng kiến chúng “đi”. Tạp chí Smithsonian cho hay Giáo sư Lorenz đã nghĩ ra giả thuyết trên sau khi tiến hành một cuộc thí nghiệm đơn giản trong nhà bếp. Ông đóng băng một viên đá nhỏ với đủ lượng nước cho phép một phần bề mặt đá nhô ra khỏi lớp băng. Sau đó, ông lật nó lại và đặt vào một vũng nước nhỏ có cát ở dưới. Lớp băng cho phép viên đá nổi trên nước ở khoảng cách vừa đủ để đá chạm phần cát bên dưới. Tiến sĩ Lorenz phát hiện ông có thể di chuyển viên đá xung quanh bằng cách thổi nhẹ vào nó.
Trước đó, các nhà nghiên cứu từng đưa ra giả thuyết cho rằng các tảng băng khổng lồ đã khóa kín các tảng đá lại với nhau và thổi chúng xuyên sa mạc. Tuy nhiên, các mô hình thuật toán trên máy tính cho thấy gió phải thổi ở cấp độ hàng trăm km/giờ mới đẩy được đá đi như vậy. Còn giả thuyết của tiến sĩ Lorenz đưa ra lý luận hợp lý hơn, rằng đá có thể được di chuyển dưới tác động của những luồng gió nhẹ. Bất chấp nỗ lực của giới khoa học, các nhân viên canh gác công viên quốc gia tại Thung lũng chết cho hay nhiều người tham quan vẫn tiếp tục tin vào những điều huyền bí, chẳng hạn như cấu tạo của đá đặc biệt như thế nào đó, hay bên dưới lòng hồ tồn tại từ trường bí ẩn, hay tác động của người ngoài hành tinh, nên đá mới “chu du” khắp nơi như vậy.
Hạo Nhiên
>> Đá bí ẩn bị "xoáy" khỏi Thung lũng Chết
>> Bí mật thung lũng Chết
Bình luận (0)