Giá tiền mã hóa sẽ giảm lâu vì quá ít người mua?

10/02/2019 16:50 GMT+7

Các hãng phát hành tiền mã hóa thông qua ICO hai năm qua có thể phải bán thêm loại tài sản này nhằm duy trì hoạt động. Vấn đề là có rất ít người mua.

Theo Reuters, sau thành công lớn của các đợt gọi vốn cho dự án tiền mã hóa (ICO) năm 2017 với số vốn thu về hơn 6 tỉ USD, giá tiền mã hóa lao dốc mạnh, xóa 85% tổng giá trị thị trường từ khi đạt mốc cao nhất là 800 tỉ USD đầu năm 2018. Bitcoin, đồng mã hóa đầu tiên trên thế giới, giảm giá hơn 80% từ ngưỡng cao nhất là 20.000 USD lập được vào tháng 12.2017.
Việc giới quản lý toàn cầu, dẫn đầu là Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) kiểm soát chặt loại tài sản mới cùng tốc độ chấp nhận tiền mã hóa trong thanh toán là hai trong số nhiều lý do khiến giá cả trượt dài. Dữ liệu từ Dead Coins, đơn vị chuyên theo dõi các startup tiền mã hóa, khoảng 1.000 doanh nghiệp mảng này thất bại trong năm qua hoặc có dự án bị “bỏ quên”.
Với các đồng mã hóa vẫn còn trên thị trường, triển vọng nguồn cung sắp được tung ra có thể là thách thức với doanh nghiệp tung đồng đó khi thị trường giảm giá sâu. Nhà đồng sáng lập Ryan Selkis của nền tảng dữ liệu tiền mã hóa Messari cho hay: “Nhiều người không hiểu hết tác động của nguồn cung mới trên thị trường này, đặc biệt là khi thanh khoản thấp. Tôi không cho rằng ai cũng biết rõ về mức lạm phát ẩn trong hình thức dự trữ tiền mã hóa, vốn sẽ được ‘mở khóa’ dần dần”.
Dữ liệu từ Messari cho thấy 71 trong số hơn 400 đồng mã hóa trên cơ sở dữ liệu của hãng tung ra ít hơn 50% tổng nguồn cung mục tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc “cơn lũ” đồng mã hóa nói trên có thể được bán ra hoặc phân phối theo hình thức nào đó vào thị trường.
Đơn cử, Messari cho hay Zcash, đồng mã hóa hơn hai năm tuổi với tính năng bảo mật, có 28,05% tổng nguồn cung được phát hành tính đến thời điểm này. Điều đó có nghĩa là những người giữ Zcash có thể thấy nguồn cung tăng hơn gấp ba lần trong những năm tới, gây áp lực lên giá trị Zcash trừ phi cầu vượt quá cung.
Áp lực nguồn cung không chỉ đến từ các hãng cần bán đồng mã hóa để tài trợ cho hoạt động doanh nghiệp, mà còn đến từ các nhà đầu tư sớm vào ICO. Các đồng mã hóa phát hành thông qua ICO đều cho phép nhà đầu tư bán chúng, song hiện chuyện này khó vì giá đã quá thấp. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều đồng mã hóa được phát hành dựa trên giả định rằng thị trường tiền mã hóa rất lạc quan trên tất cả các mặt trận”, đối tác Kyle R. Chapman tại COSIMO Ventures nhận định.
Dù giới hạn nhất định của tiền mã hóa được thiết kể để giúp bảo toàn giá trị của chúng, điều này không ngăn được tình trạng dư cung khi nhu cầu hạ. Đơn cử, tổng số bitcoin có thể được đào là 21 triệu, hiện 83% trong số này, tức 17,5 triệu đã được đào ra. Ngược lại, chính phủ và ngân hàng trung ương có thể kiểm soát tiền tệ thực như đô la Mỹ. Họ có thể phát hành nhiều hơn nếu muốn, làm giảm giá trị tiền tệ theo thời gian.
Một số nhà phát hành đồng mã hóa nỗ lực giảm thiểu tác động của việc giảm giá bằng cách thực hiện nhiều biện pháp hạ nguồn cung, song mức độ thành công của biện pháp này là khác nhau. Ví dụ, chưa đầy một năm sau khi DigiPulse ICO tháng 10.2017, startup quyết định bỏ tiền mã hóa trong hoạt động kinh doanh bằng cách chấp nhận tiền tệ thật. Hãng muốn loại bỏ đầu cơ vào đồng mã hóa của doanh nghiệp song cuối cùng vẫn phải đóng cửa. Ernst & Young cho rằng bằng cách chấp nhận tiền thật trong thanh toán, các hãng như DigiPulse từ bỏ nhà đầu tư ICO, khiến đồng mã hóa ít giá trị hơn.
Một số doanh nghiệp như Tron và sàn giao dịch Binance thì dùng cách “đốt” tiền mã hóa, loại bỏ chúng khỏi lưu thông. Biện pháp này hệt như chuyện mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đại chúng. Dù vậy, vấn đề của biện pháp này là doanh nghiệp cần tiền để mua lại tiền mã hóa từ nhà đầu tư trước khi “đốt” chúng, song không ít startup không có tiền vì đồng mã hóa của họ giảm giá quá sâu.
Cuối cùng, nỗ lực nâng giá đồng mã hóa trở thành vòng luẩn quẩn. Doanh nghiệp cần nhà đầu tư dùng đồng mã hóa để phát triển nền tảng và mạng lưới, song tiền mã hóa lại trở thành khoản đầu tư đầu cơ thuần túy. “Giá đồng mã hóa giảm mạnh là rủi ro lớn với mô hình kinh doanh của các hãng”, CEO Josh Stein của Harbor, hãng chuyên chuyển đổi chứng khoán thành đồng mã hóa được hậu thuẫn bởi tài sản thật, cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.