Theo trang tintaynguyen.com, giá tiêu sáng 19.3 tại các tỉnh tiếp tục tăng từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với ngày hôm trước. Cụ thể tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông thu mua tiêu ở mức 77.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại Gia Lai, giá tiêu ở mức 76.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg và tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 79.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg… Thị trường tiêu chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhiều nơi đã thu mua vượt mốc 80.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tuần qua, giá tiêu liên tục tăng từ mức 56.000 đồng/kg vào ngày 3.3 đến nay đã nhảy vọt hơn 40%, lên sát 80.000 đồng/kg. Thậm chí, giá tiêu tăng nóng đang đẫn đến tình trạng bán cà phê để trữ hồ tiêu.
Việc giá tiêu tăng nóng trong những tuần gần đây khiến các doanh nghiệp khó thu mua để xuất khẩu. Ngược lại nhiều doanh nghiệp tăng cường mua hàng từ nước ngoài khiến lượng tiêu nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 2 tháng đầu năm nay cả nước đã nhập khẩu 5.313 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Đứng đầu nhập khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Olam, Harris Freeman, Nedspice, Sơn Hà. Khối các doanh nghiệp ngoài hiệp hội nhập khẩu tăng 50,1% đạt 1.252 tấn so với lượng nhập khẩu 834 tấn cùng kỳ năm trước. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Brazil và Indonesia với tổng lượng nhập khẩu từ 2 nước đạt 4.542 tấn, chiếm 85,5% tổng lượng nhập khẩu. Cụ thể, lượng tiêu nhập khẩu từ Indonesia trong 2 tháng đầu năm tăng mạnh tới hơn 48% lên 2.243 tấn. Trong khi đó, lượng tiêu nhập khẩu từ Brazil giảm gần 11% xuống 2.299 tấn.
Ngược lại, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,5 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 6,5% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài giá cao, tháng 2 cũng trùng với thời gian nghỉ tết âm lịch, trùng thời điểm khan hiếm container và chi phí vận chuyển cao nên lượng tiêu xuất khẩu bị sụt giảm. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã khuyến cáo người nông dân cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015 - 2016.
Bình luận (0)