Gia tộc họ Đoàn ở Sài Gòn nửa thế kỷ làm giỗ tổ Vua Hùng

25/04/2018 20:41 GMT+7

Sáng nay 25.4 (nhằm mùng 10.3 âm lịch), nhà thờ gia tộc họ Đoàn nằm trong hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Văn Nguyễn, P.Tân Định, Q.1 (TP.HCM) rộn ràng tiếng con cháu đến cùng lo lễ giỗ tổ Vua Hùng.

Nhà thờ gia tộc họ Đoàn tuy không cao lớn, chỉ rộng chừng 60m2 nhưng bên trong mọi thứ đều được sắp đặt ngăn nắp, đặc biệt là không gian thờ phụng hết sức tôn kính với những hình mẫu điêu khắc “rồng chầu phượng múa” tinh tế.
Ngay chính giữa là bàn thờ vua Hùng 3 cấp, cao nhất là bài vị “Tổ tiên chính giáo đại đạo sinh tồn” (bài vị đạo tổ tiên), giữa là bài vị “Hùng Vương tổ phụ Việt Nam” (thờ vua Hùng), tiếp đến là bài vị “Liệt vị tiền nhân - nội ngoại tứ thân, cửu huyền thất tổ” (các đời ông bà của dòng tộc).
Cạnh bên bàn thờ vua Hùng là bàn thờ ông bà, cha mẹ với 2 câu đối treo hai bên: Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
VIDEO: Lễ hội dâng hương quốc Tổ ở đền thờ các vua Hùng tại TP.HCM
Ông Đoàn Văn Lộc, 62 tuổi, cho biết cha ông gốc Bắc, mẹ là người miền Trung, gặp và cưới nhau ở Sài Gòn. 6 người con của ông bà, gồm 3 gái và 3 trai. Ông Lộc là người con thứ 4, kế ông có 2 người em Đoàn Văn Phúc và Đoàn Văn Tài cùng nhau kế tục lễ nghi thờ cúng vua Hùng, ông bà tổ tiên từ hàng chục năm qua.
“Bố tôi trước đây thường niên đều đi làm lễ giỗ tổ vua Hùng ở một tổ đình trên đường Lý Tự Trọng (Q.5), về sau ông làm nhà thờ gia tộc và nội bộ gia đình thành kính làm giỗ riêng. Khi ông qua đời, con cháu trong nhà vẫn theo nếp cũ, duy trì lễ giỗ đã nửa thế kỷ qua”, ông Lộc kể.
Ban tế lễ nghi thức giỗ tổ Vua Hùng của gia tộc họ Đoàn đều là nữ Ảnh: V.L
Điều đặc biệt trong lễ giỗ vua Hùng ở nhà thờ gia tộc họ Đoàn, đó là Ban tế lễ nữ quan Âu Lạc đảm trách chính các nghi thức. Theo ông Lộc, ban này cũng do cha ông lập ra trong lễ giỗ đầu tiên của gia tộc, đến nay không thay đổi.

“Hồi xưa cha tôi lập ra như thế vì con cháu trong nhà nữ nhiều hơn nam, cho đến nay cũng vậy, nếu lập Ban tế lễ nam quan thì cũng không đủ người. Ban tế lễ nữ quan gồm 11 người, trong đó có 9 người dâng lễ vật, 1 người thông xướng (kiểu như MC - PV) và 1 người đọc văn tế. Thành viên nhỏ nhất là cháu Nguyễn Hồng Ngọc, học lớp 6. Ban tế lễ nữ quan có lớn có nhỏ để đảm bảo tính kế thừa với mong muốn lễ nghi được trao truyền từ đời này sang đời khác”, ông Lộc chia sẻ.
Nghi thức tế lễ được tiến hành trang nghiêm. Khi dâng hương, dâng hoa, chủ tế trân trọng xướng lên: “Lòng thành một nén hương tâm/ Kính xin Phụ Mẫu chứng minh hộ trì/ Tổ đường bản tộc gia nghi/ Hai bên nội ngoại giai quỳ lễ dâng/ Bốn bề sực nức hương lâng/ Húy nhật cảnh lễ báo ân sinh thành/ Công ơn dưỡng dục khai sinh/ Định cư lập vị cội cành tiên gia/ Nguyện cùng phụ mẫu ông bà/ Gìn tâm thiện đức con mà noi theo”.
Ông Lộc chia sẻ: “Lễ vật sau khi dâng cúng được dọn ra cho con cháu và bà con lối xóm dùng chung. Ông bà mình luôn dạy con cháu đạo sống ở đời, con người có Tổ có Tiên, đối xử với nhau hiền hòa, biết tôn trọng lễ nghi, nhớ công ơn ông bà cha mẹ sinh thành, dưỡng dục. Từ những nghi lễ đó giúp cho con cháu giữ gìn tốt nếp sống gia tộc, bởi trong nhà tốt lành thì ra xã hội mới tốt lành. Mình thành kính tổ chức những buổi tế lễ như vậy, con cháu mình lớn lên sẽ theo cái khuôn phép đó để sống cho tử tế với đời, biết nuôi giữ ý thức nguồn cội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.