Bằng cách này hoặc cách khác, điện ảnh luôn làm người ta xúc động bởi ngôn ngữ hình ảnh hoặc nội dung câu chuyện.
Thật lâu rồi điện ảnh mới có được một tác phẩm gây xúc động mang tinh thần cổ điển như Tangerines, về cái tình giữa người với người, điều dễ dàng thể hiện trên tác phẩm văn học hơn là một tác phẩm điện ảnh mà nếu chỉ cần mất kiểm soát một chút, bộ phim sẽ bị sa đà vào khuôn sáo lối mòn.
Bộ phim lấy bối cảnh một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng biên giới, nơi diễn ra cuộc chiến giành lãnh thổ giữa hai vùng đất vừa tách khỏi Liên Xô là Abkhazia và Gruzia năm 1992. Trước chiến tranh, nơi đây rất nhiều người Estonia đến ở. Rồi chiến tranh nổ ra, họ trở về quê hương lánh nạn, chỉ có hai người, lão thợ mộc già Ivo và chủ vườn quýt Margus ở lại để chờ thu hoạch rồi cũng sẽ đi để đoàn tụ người thân. “Đáng tiếc là những người dũng cảm như ông, lại già đi”, một trong hai gã lính người Chechnya, đánh thuê cho quân Abkhazia, đã nói với ông lão Ivo. Mọi thứ tưởng chừng đã đi đúng kế hoạch cho đến một hôm, họ cứu được hai người lính bị thương nặng, một người Chechnya tên Ahmed và một người Gruzia tên Niko, sau cuộc đọ súng ác liệt. Ivo và Margus đưa họ về nhà, chữa trị và chăm sóc. Gã lính người Chechnya tỉnh dậy trước, và ngay lập tức hắn hung hăng đòi xông vào phòng giết chết gã lính người Gruzia vẫn đang rên rỉ trên giường. Lão già Ivo và người nông dân Margus trong Tangerines là hai nhân vật điển hình về người nông dân giai đoạn chiến tranh. Họ yêu đất và yêu người, nên mới bất chấp hiểm nguy ở lại vùng giao tranh, hay việc họ liều mạng để cứu những kẻ chẳng hề liên quan tới mình. Bằng sự tận tâm, Ivo đã buộc hai người lính ở hai đầu chiến tuyến phải thề danh dự rằng không được giết nhau khi còn đang ở nhà ông.
|
|
Tangerines của đạo diễn người Gruzia Zaza Urushadze là một trong số 9 tác phẩm được đề cử cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2015. Trước đó, bộ phim từng được đề cử Quả cầu vàng cho hạng mục tương tự. Lần đầu tiên trong lịch sử, hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Oscar có tới 4 tác phẩm đến từ Đông Âu: Ida, Leviathan, Corn island và Tangerines. Tuy bị vuột mất giải thưởng vào tay Ida của Ba Lan, song Tangerines vẫn nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía các nhà phê bình cũng như khán giả.
|
|
|
Một bộ phim không có gì quá đặc sắc ở ngôn ngữ hình ảnh, và cũng không hề có được câu chuyện độc đáo, song vẫn cứ gây xúc động. Nỗi buồn tê tái cứ lặng lẽ xâm chiếm tâm hồn người xem từ cái không khí ảm đạm xuyên suốt bộ phim, nơi có rất ít những toàn cảnh mà thay vào đó là trung cảnh và cận cảnh để con người không phải trở nên lạc lõng trong khuôn hình hay trước thiên nhiên rộng lớn. Không lạc lõng, vậy mà vẫn cứ buồn! Một buổi sáng trông như sáng mùa thu, bầu trời trong veo và đám cỏ cây vẫn còn sũng nước, Ivo lọm khọm nhấc chân bước đi, chỉ thế thôi cũng đủ làm người xem rưng rưng. Con người đã được yêu thương biết bao trong khuôn hình ấy, cái cách đạo diễn đặt ông ta làm trọng tâm của vũ trụ, vẻ mong manh của hơi sương ban sớm và cảm giác gắn kết giữa con người với tự nhiên. Có một nhà làm phim nói rằng “câu chuyện
Tangerines hơi cliché” (tạm dịch là rập khuôn). Ừ cliché, thì đã sao, nếu như sự xúc động có từ những thứ bình thường nhất mà sách vở vẫn thường gọi là “tình người”? Chúng ta thừa mứa những câu chuyện đương đại, xuất sắc hoặc không, và ngày càng ít đi những câu chuyện làm ta nhớ một thời cắp sách đến trường, những hình ảnh về lòng tốt theo thời gian đã tự nhiên trở thành tụt hậu trong ngổn ngang đề tài nghệ thuật. Nhà soạn nhạc Niaz Diasamidze, một người Gruzia, đã soạn nên giai điệu réo rắt từ tiếng guitar hòa cùng tiếng mandolin - điểm giao thoa của hai nền văn hóa Estonia và Gruzia, góp phần hoàn tất bài thơ trữ tình mang tên
Tangerines. Bộ phim có khác gì một bài thơ trữ tình được viết bởi một người lính trong một đêm trăng sáng, vì con trăng hoặc vì bom đạn đâu? “
Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh” là một cách nói khác về những tấm gỗ đầu phim được dùng làm thùng chứa quýt giờ đã đem đóng thành quan tài, cliché đấy, mà vẫn cứ làm tim người ta thắt lại. Và hình ảnh người lính lái xe chạy băng băng trên đường rừng ở cuối phim, xông vào cuộc chiến hay tháo chạy khỏi nó, không ai biết được, một lần nữa đã khiến người ta nghĩ nhiều hơn về thân phận con người. Giữa những bấp bênh, một bản nhạc slow rock mang tinh thần khác hoàn toàn với giai điệu đồng quê trước đấy vang lên và song hành cùng bước chạy của người lính. Bài hát phát trong xe được phổ nhạc từ bài thơ
Qagaldis Navi (
Thuyền giấy) do ngôi sao nhạc rock người Gruzia Irakli Charkviani viết năm 1992. Qagaldis Navi rất nổi tiếng trong cuộc chiến năm 1992 và Irakli Charkviani thì được khắp Đông Âu yêu quý. Đó là một lời hứa quay trở lại:
“Tôi muốn cùng em lần nữa. Ngay cả khi tôi chiến đấu, tôi vẫn ở bên em trong giấc mơ của tôi. Tôi sẽ trở lại, trên một con tàu giấy”
Irakli Charkviani chết khi còn quá trẻ, như những người đã chết trong Tangerines. Còn những người ở lại thì già đi, và cô độc.
Bình luận (0)