Giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 đạt 3,5 tỉ USD

24/11/2020 16:52 GMT+7

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 sụt giảm mạnh.

Chiều 24.11, Diễn đàn Mua bán & Sáp nhập (M&A) 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” do báo Đầu tư tổ chức diễn ra tại TP.HCM. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỉ USD trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế trong năm nay. Điều đó khiến giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 suy giảm hơn 51% so với năm 2019, ước đạt 3,5 tỉ USD. Mặc dù vậy, theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là một trong những thị trường M&A doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm. Hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021 với những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế khi Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép” trong năm 2020, vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
TS.Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định lần đầu tiên sẽ có 3 luật sửa đổi là Luật chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp cùng lúc có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021. Ba luật này có nhiều điểm tác động trực tiếp đến hoạt động M&A tại Việt Nam. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp có nhiều thay đổi liên quan đến việc nâng cao sự bảo vệ cho người mua. Ví dụ trước đây cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ khi sở hữu 10% cổ phần và nắm giữ liên tục từ 6 tháng trở lên mới có quyền yêu cầu triệu tập họp cổ đông. Đây là quy định không hợp lý đã cản trở các hoạt động M&A. Những điều kiện bất hợp lý như vậy đã được bãi bỏ trong năm tới cũng như tỷ lệ sở hữu cổ phần giảm từ 10% xuống còn 5%... Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết và đang thực hiện sẽ ban hành danh mục ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư hoặc bị hạn chế đầu tư. Dù không mới nhưng danh sách này rõ ràng hơn sẽ có tác động tích cực tới hoạt động M&A...
Vì vậy, Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC) đưa ra dự báo, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Trong đó, đứng đầu bảng trong nhóm ngành truyền thống vẫn là lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hiện nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, Nam A Bank, SCB, NCB đang lên kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Những động thái này hứa hẹn các thương vụ M&A “khủng” trong ngành ngân hàng trong năm 2021 - 2022...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.