Châu bản gồm nhiều loại văn thư... tất cả đều là bản gốc mang bút tích ngự phê của nhà vua và các loại dấu ấn của hoàng đế, của triều đình. Theo chế độ văn thư của nhà Nguyễn, bản gốc này do Nội các quản lý và “phụng sao” một số bản để gửi cho các cơ quan có trách nhiệm thực thi. Do đó châu bản, đứng về mặt văn bản học, không những là quý hiếm mà là bản duy nhất, độc nhất.
Châu bản là một kho tư liệu phản ánh trung thực tư tưởng chính trị cùng các chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn. Trong kho châu bản còn có nhiều bản tấu do các cơ quan của triều đình và các địa phương tâu báo lên triều đình để trình lên xin ý kiến nhà vua. Vì thế, châu bản còn phản ánh khá phong phú tình hình mọi mặt của đất nước, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, xã hội cùng các biến động… Có thể nói, nghiên cứu đất nước thời kỳ nhà Nguyễn trên mọi lĩnh vực đều cần khai thác những thông tin phong phú của châu bản.
Trong châu bản có một loại tài liệu có giá trị đặc biệt khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Với kết quả kiểm tra cho đến nay, trong kho châu bản có 18 văn bản, cộng với 1 văn bản thời Bảo Đại do nhà sử học Phan Thuận An ở Huế lưu giữ và trao tặng cho Chính phủ, cả thảy có 19 văn bản. Nội dung của các văn bản này phản ánh tổ chức và hoạt động của nhà Nguyễn trong nhiệm vụ quản lý và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hằng năm, triều đình điều động đội thủy binh phối hợp với đội Hoàng Sa đã có từ thời các chúa Nguyễn ra hai quần đảo này để điều tra khảo sát, đo đạc đường thủy, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền và khai thác các sản vật. Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đã được khẳng định ít nhất từ thế kỷ 17 với nhiều chứng cứ lịch sử và pháp lý vững chắc. Vào thời nhà Nguyễn, các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền được tổ chức chặt chẽ và đều đặn, được phản ánh trong nhiều loại tư liệu từ các bộ chính sử của triều đình được khắc in đến các loại sách hội điển, địa chí, các bản đồ cổ... Trong các loại tư liệu đó, châu bản có giá trị đặc biệt kết hợp giữa giá trị sử liệu với giá trị pháp lý mà tôi gọi là “giá trị kép”. Tư liệu được ghi lại trên các văn bản mang tính pháp quy cao của nhà nước với lời châu phê của hoàng đế và dấu ấn của vương triều.
Điều thú vị là đúng vào lúc cả nước đang sôi nổi trong cuộc đấu tranh kiên quyết chống hành động vi phạm chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc thì ngày 14.5.2014, UNESCO đã công nhận châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Từ một di sản phi vật thể quốc gia được nâng lên tầm quốc tế, từ đó giá trị của châu bản càng được khẳng định và lan tỏa.
GS Phan Huy Lê
>> Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa
>> VN khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa
>> Khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
>> Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Bình luận (0)