'Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh'

27/09/2023 09:55 GMT+7

Ðó là nội dung xuyên suốt tại Hội thảo khoa học Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa con người Quảng Ninh, diễn ra vào ngày 26.9 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, do Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.

'Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh'  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, phát biểu tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, khẳng định Quảng Ninh có những lợi thế ít địa phương có được, được thừa hưởng cả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa rất dồi dào, đa dạng, phong phú.

Nguồn lực tự nhiên và văn hóa phong phú

Ðáng chú ý, Quảng Ninh đã hình thành nên một hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc và nhân văn.

Ðặc biệt, Quảng Ninh hiện có kho di sản văn hóa lớn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể; gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể.

Quảng Ninh có bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là "cái nôi" của giai cấp công nhân VN, truyền thống công nhân vùng mỏ, tinh thần "Kỷ luật và Ðồng tâm" đã được hình thành, vun bồi thành một di sản tinh thần của công nhân vùng mỏ, trở thành một đặc trưng của con người vùng mỏ.

Cũng theo PGS-TS Phạm Minh Tuấn, hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Ðây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh, là "con đường" ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với nhân dân cả nước và hình ảnh VN với bạn bè quốc tế.

Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong tập trung đầu tư trọng điểm phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng thiết chế văn hóa. Việc tập trung xây dựng dự án thiết chế văn hóa của Quảng Ninh ở cấp tỉnh được đánh giá ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, PGS-TS Phạm Duy Ðức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong xây dựng, phát triển, trước hết triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người trong các văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, dự án đề ra về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa; khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa Quảng Ninh - vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc khu danh thắng Yên Tử, nơi khởi nguồn thiền phái Trúc Lâm

Một góc khu danh thắng Yên Tử, nơi khởi nguồn thiền phái Trúc Lâm

Ảnh: Q.M.G

6 giá trị cốt lõi của tỉnh Quảng Ninh

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã chỉ ra 6 giá trị cốt lõi của tỉnh Quảng Ninh, định hướng xây dựng hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh gồm: Thiên nhiên tươi đẹp là điều kiện; văn hóa đặc sắc là nền tảng; xã hội văn minh là chuẩn mực; hành chính minh bạch là môi trường; kinh tế phát triển là phương tiện; nhân dân hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng hướng đến.

Ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sự tích hợp và tổng hòa của các giá trị tự nhiên, văn hóa, con người cốt lõi, tiêu biểu nhất, có sự cân đối, hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, đặc thù và phổ quát. Ðiều quan trọng hơn cả, đó là cần chuyển hóa hiệu quả các giá trị trên thành nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực vô hạn cho sự phát triển, cùng hướng đích xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.