Giá trị xã hội của công dân

10/06/2018 06:55 GMT+7

Nếu ai cũng tự nuôi dưỡng trong đầu cái lối nghĩ, mình được quyền nhân danh bức xúc này bức xúc nọ để ứng xử với người khác tới mức làm nhục hoặc hành hung thì chúng ta sẽ có một xã hội thế nào trong tương lai gần?
Dạo gần đây, xã hội ta trở nên không hiếm những trường hợp ứng xử với những người phục vụ mình theo kiểu chợ búa, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, sẵn sàng thộp cổ áo và buông lời sỉ vả. Khi thì với bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện, với lý do rằng mình bức xúc. Khi thì với thầy cô giáo, với lý do rằng mình bức xúc. Khi thì với nhân viên sân bay, cũng với lý do rằng mình bức xúc. Nếu tư duy theo kiểu ấy thì trước sau gì trong đời chẳng gặp bức xúc, chẳng đánh chửi nhau.
Chúng ta không thể không nhìn nhận thẳng thắn rằng, đã đến lúc phải tìm kiếm một phương thức quản lý hành vi công dân chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Chứ không thể cứ đợi đến lúc xảy ra chuyện này chuyện nọ kiểu như ném điện thoại vào mặt nhân viên hàng không rồi áp dụng án phạt tiền và đề xuất phạt cấm bay. Phạt bao nhiêu tiền là đủ, cấm bay bao nhiêu lâu là đủ, để điều chỉnh thích đáng hành vi ứng xử thiếu văn minh?
Cần phải đặt mỗi công dân vào một ý thức sâu sắc hơn về việc tự quản trị hành vi xã hội của mình phù hợp với chuẩn mực xã hội. Mỗi vi phạm của công dân, dù chỉ là vi phạm chuẩn mực hành xử văn minh, dù chưa đến mức chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng phải được trả giá bằng việc bị hạ điểm “tín nhiệm xã hội”. Chứ không phải chỉ chịu phạt ít tiền, chịu phạt cấm bay một thời gian, rồi mọi chuyện lại như cũ. Những thông tin về hành xử xã hội của công dân, từ việc vi phạm giao thông cho đến việc chống đối người thi hành công vụ, đều phải được phản ánh vào hệ thống cơ sở dữ liệu công dân, phản ánh thành chỉ số tín nhiệm xã hội, để theo đó chính quyền có những chính sách đối xử tương ứng.
Chúng ta cần đặt mỗi cá nhân công dân vào một tầm nhìn xa hơn về giá trị xã hội của họ, một tầm nhìn suốt đời, có ảnh hưởng nghiêm túc đến cuộc sống của họ. Để mà, họ có thêm một ràng buộc quan trọng đối với cái Tôi của mình, và rèn luyện cái Tôi ấy hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Chứ không phải là, cho phép họ “thả rông” cái Tôi của mình trong không gian vô hạn của những thúc đẩy bản năng đầy nguy hiểm cho xã hội.
VN đang triển khai thu thập dữ liệu công dân, chuyển đổi sang hệ thống căn cước công dân thay cho chứng minh thư nhân dân. Sẽ rất tiếc nếu sự đầu tư rất lớn đó chỉ nhằm vào việc quản lý cư trú, thủ tục hành chính, thông tin thống kê… Người dân cũng hy vọng, chính quyền cũng sẽ nghiên cứu áp dụng một giải pháp quản lý xã hội theo hướng khích lệ công dân giữ gìn sự trong sạch cũng như chuẩn mực hành xử xã hội, hạn chế việc tự bôi đen chỉ số tín nhiệm xã hội của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.