Sáng 15.3, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố 23.619 đồng, cộng 1 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng nhích nhẹ. Chẳng hạn, ngân hàng Eximbank giữ nguyên giá mua vào 23.350 đồng/USD nhưng tăng 10 đồng ở chiều bán ra, lên 23.740 đồng; Vietcombank cộng 10 đồng, đưa giá mua lên 23.380 đồng/USD và bán ra 23.750 đồng…
Giá USD tự do tăng trở lại ở chiều mua vào nhưng giảm ở chiều bán ra. Cụ thể, một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM mua vào 23.620 đồng, tăng 40 đồng so với hôm qua; bán ra xuống 23.720 đồng, giảm 30 đồng. Chênh lệch giá mua bán thu hẹp xuống còn 100 đồng thay vì 170 đồng trong hôm qua.
Giá USD hôm nay trên thị trường quốc tế tiếp tục đi xuống. Đầu ngày, chỉ số USD-Index đạt 103,68 điểm, giảm 0,07 điểm so với hôm qua.
Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,4% so với tháng 1 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Hai con số này đều khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát của Mỹ giảm so với tháng liền trước. Chi phí năng lượng giảm 0,6% trong tháng 2 đã giúp hạn chế đà tăng của các chỉ số giá.
Dù vậy, lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra. Điều này cho thấy có thể Fed sẽ càng khó khăn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát sau khi 2 ngân hàng phá sản.
Vì vậy, báo cáo này càng giúp các nhà đầu tư kỳ vọng về việc Fed chỉ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới thay vì mức cao hơn. Hồi tháng 2, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất tới 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, 2 vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp gần đây có thể sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại về tác động của chiến dịch thắt chặt tiền tệ tới sức khỏe của hệ thống tài chính. Nếu Fed nâng lãi suất thấp hơn hoặc thậm chí ngừng nâng lãi suất thì đồng USD sẽ có xu hướng giảm giá.
Bình luận (0)