Ngày 19.12, giá USD trong nước khá yên ắng, Ngân hàng Nhà nước giữ tỷ giá trung tâm ở mức 23.138 đồng/USD; Vietcombank mua USD ổn định với giá 23.010 đồng/USD và bán ra 23.220 đồng/USD… Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh nhích nhẹ 5 đồng/USD, mua vào lên 23.240 đồng/USD và bán ra 23.260 đồng/USD.
Giá USD ngày 19.12 phục hồi khá yếu sau khi giảm sâu, chỉ số USD-Index tăng 0,1 điểm, lên 89,93 điểm. Đồng bạc xanh đã giảm 1,2% trong tuần này và giảm 12,7% so với mức đỉnh 3 năm vào tháng 3.2020. Giá USD đã ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các ngoại tệ khác như Euro, bảng Anh, AUD, NZD và CAD. Giá USD đang xoay quanh thông tin gói hỗ trợ kinh tế của Mỹ có được thông qua hay không trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Nhận định thị trường ngoại hối Việt Nam năm 2020 và năm 2021, ông Tim Evans – Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo thị trường nói chung ổn định và phát triển bền vững. Chẳng hạn, NHNN đã hỗ trợ hai chiều khi hạ tỷ giá bán USD trong tháng 3 để đáp ứng nhu cầu chính đáng khi thị trường ngoại hối chịu áp lực trong thời kỳ xã hội giãn cách và giảm tỷ giá mua USD vào tháng 11 khi nguồn cung trên thị trường trở lại dồi dào. Không giống như những năm trước khi tiền đồng thường mất giá so với đồng USD, năm 2020, tiền đồng thậm chí đã tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với USD, trong khi thị trường ngoại hối gần như không có áp lực cuối năm.
Về bức tranh tỷ giá trong năm 2021, HSBC kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vắc xin Covid-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ… Trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất… để đảm bảo sự chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Bình luận (0)