Ngày 23.8, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 11 đồng, lên 23.177 đồng/USD. Ngân hàng thương mại tăng giá USD thêm 10 đồng mỗi USD, Vietcombank mua vào lên 22.695 - 22.725 đồng/USD và bán ra 22.925 đồng/USD; Eximbank mua vào với giá 22.720 - 22.740 đồng/USD và bán ra 22.900 đồng/USD… Tỷ giá tự do tăng 10 đồng/USD, mua vào lên 23.050 đồng/USD và bán ra 23.150 đồng/USD.
Giá USD trong nước có xu hướng tăng lên khi cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 8 đã thâm hụt 1,36 tỉ USD, nâng mức thâm hụt từ đầu năm đến nay 3,88 tỉ USD. Xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 8 có tổng trị giá hàng hóa đạt 11,37 tỉ USD, giảm 24,2% so với kỳ 2 tháng 7, tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15.8, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỉ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu kỳ 1 tháng 8 đạt 12,73 tỉ USD, giảm 11,7% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15.8, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 201,58 tỉ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá USD thế giới sáng 23.8 giảm nhẹ, chỉ số USD-Index giảm 0,05 điểm, xuống còn 93,43 điểm. Những thông tin về biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang ảnh hưởng đến giá đồng bạc xanh. Fed quyết định cắt giảm quy mô thu mua tài sản hằng tháng, cắt giảm chương trình thu mua trái phiếu Chính phủ trị giá 120 tỉ USD/tháng vào cuối năm nay. Dù vậy, các quan chức Fed cho rằng không có mối liên hệ nào giữa việc cắt giảm chương trình này và khả năng tăng lãi suất. Lạm phát đã tăng vọt trong năm nay, đang ở mức 3,5% vào tháng 6, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Thế nhưng thị trường lao động chưa có những cải thiện đáng kể thì việc xem xét tăng lãi suất của Fed chưa đặt ra.
Bình luận (0)