Sáng 2.5, giá USD hầu như không thay đổi khi thị trường vẫn còn trong kỳ nghỉ lễ. Nhưng so với cuối tuần qua, giá USD tự do trong tuần đã giảm 55 đồng xuống còn mức mua vào là 23.615 đồng/USD và bán ra 23.665 đồng/USD.
Giá USD quốc tế trong tuần hồi phục nhẹ khi chỉ số USD-Index đạt 91,29 điểm, tăng 0,5 điểm so với cuối tuần qua. Nhưng so với cuối tháng 3, chỉ số USD-Index đã giảm đáng kể khoảng 2,56%. Giá USD trên thị trường quốc tế giữ ở mức thấp khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu gia tăng.
Dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở một số nước, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil, có thể giáng một đòn mạnh vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, đồng bạc xanh suy yếu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chính sách nới lỏng, trong khi chính quyền ông Joe Biden có kế hoạch bơm thêm tiền vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng sau khi đã triển khai gói kích thích 1.800 tỉ USD.
Theo Reuters, tỷ giá USD có dấu hiệu phục hồi khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời trong ngày giao dịch cuối tháng. Ông Alexandre Dolci, chiến lược gia FX tại BBVA, nhận định sự đi lên của đồng bạc xanh sẽ không kéo dài và xu hướng giảm giá tiếp tục trong thời gian tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tạo áp lực lên đồng USD khi dập tắt suy đoán về việc cắt giảm chính sách mua tài sản của ngân hàng trung ương Mỹ với lý do thị trường việc làm vẫn còn ở mức rất thấp so với mục tiêu.
Còn ông Petr Krpata, Chiến lược gia tại ING, nhận định lãi suất thực tế ở Mỹ đang rất thấp và dự kiến sẽ giảm hơn nữa khi CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng mạnh trong quý này. Điều này có thể khiến giá USD tiếp tục đi xuống, đặc biệt khi các khu vực khác trên thế giới, cụ thể là châu Âu, bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19...
Bình luận (0)