Sáng 2.8, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đứng yên ở mức 23.180 đồng/USD nhưng giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại lại điều chỉnh tăng. Chẳng hạn Vietcombank cộng thêm 5 đồng ở cả hai chiều mua và bán, đưa giá mua vào lên 22.825 đồng/USD và bán ra 23.055 đồng/USD; Eximbank cũng tăng 10 đồng, giá mua vào lên 22.860 đồng/USD và bán ra 23.040 đồng/USD...
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index sáng đầu tuần lên 92,09 điểm, tăng 0,02 điểm so với cuối tuần qua. Trong tuần qua, Thượng viện Mỹ bất ngờ hoãn bỏ phiếu dự luật đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD. Gói đầu tư trên bao gồm khoản chi mới 550 tỉ USD, bên cạnh khoản chi 450 tỉ USD đã được thông qua trước đó. Gói này cũng bao gồm khoản chi cho việc tháo dỡ các đường ống nước mạ chì, mở rộng mạng lưới internet băng thông rộng và cơ sở hạ tầng dành cho xe điện. Nhưng việc hoãn gói đầu tư này có vẻ chưa tác động nhiều đến đồng bạc xanh.
Trong tuần này, thị trường tài chính tiền tệ có thể bị ảnh hưởng bởi một số dữ liệu kinh tế được công bố. Đó là số lượng việc làm phi nông nghiệp của ADP và dữ liệu về số người thất nghiệp hằng tuần của Mỹ được công bố vào ngày 4.8 và ngày 5.8. Bên cạnh đó, các chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất trong tháng 7 của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thu hút lượng theo dõi lớn từ các nhà đầu tư vào giữa tuần.
Ngoài ra, tại châu Âu, một loạt báo cáo kinh tế quan trọng sẽ được phát hành trong tuần này có thể tác động đến tỷ giá euro so với USD. Đó là số liệu PMI khu vực tư nhân của Ý, Tây Ban Nha Pháp, Đức và tổng hợp cho khu vực đồng tiền chung châu Âu đều được công bố hay báo cáo doanh số bán lẻ của Đức và khu vực đồng euro cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiền tệ do tiêu dùng được coi là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế bền vững...
Bình luận (0)