Ngày 31.5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.057, giảm 32 đồng so với hôm qua. Giá USD tại ngân hàng Vietcombank vẫn giữ nguyên ở mức mua vào 23.020 đồng/USD và bán ra 23.330 đồng/USD. Còn Eximbank giảm 10 đồng ở giá mua xuống 23.070 đồng/USD và giảm 20 đồng ở chiều bán ra, còn 23.280 đồng/USD... Trên thị trường tự do, giá USD cũng sụt giảm 10 - 20 đồng, xuống còn mua vào 23.830 đồng/USD và bán ra 23.920 đồng/USD.
Giá USD sáng 31.5 tiếp tục sụt giảm |
Đào Ngọc Thạch |
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index tiếp tục đi xuống còn 101,66 điểm. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,23% xuống mức 1,0749. Đồng USD tiếp tục trượt dốc khi tâm lý đầu tư rủi ro được củng cố nhờ sự hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế khả quan và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách với tốc độ chậm hơn.
Bên cạnh đó, thông tin Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế Covid-19 và biện pháp kích thích kinh tế mới đã giúp nhân dân tệ mạnh lên và cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước này cũng gia tăng. Sắp tới, một loạt dữ liệu kinh tế khác sẽ được công bố trong tuần và có thể cung cấp tín hiệu về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, bao gồm dữ liệu việc làm của Mỹ và chỉ số mua hàng của Trung Quốc.
Tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn đã giúp thị trường chứng khoán nhiều nơi từ châu Âu đến châu Á đều đóng cửa trong sắc xanh. Riêng hôm qua thị trường chứng khoán và trái phiếu của Mỹ đóng cửa cho nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm...
Theo phân tích của Financial Times, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã thông báo hơn 60 đợt nâng lãi suất trong 3 tháng qua, mức cao nhất kể từ đầu năm 2000. Sự chuyển dịch đột ngột về chính sách diễn ra khi lạm phát chạm mức đỉnh trong nhiều thập kỷ qua ở nhiều nước. Điều này là do đà tăng của giá năng lượng và thực phẩm sau cuộc chiến Nga - Ukraine. Ông Jennifer McKeown, Trưởng bộ phận dịch vụ kinh tế toàn cầu tại Capital Economics, cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bước vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ đồng bộ nhất trong nhiều thập kỷ.
Bình luận (0)