Giá USD hôm nay 5.5.2022: Đô la Mỹ cùng các ngoại tệ khác tăng mạnh

05/05/2022 09:06 GMT+7

Các ngân hàng thương mại tăng giá USD vào ngày 5.5, ngược chiều với giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế. Điều này dẫn đến các ngoại tệ khác trong ngân hàng tăng mạnh.

Ngày 5.5, Ngân hàng Nhà nước giữ tỷ giá trung tâm đứng yên ở mức 23.128 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại tăng giá USD 10 đồng, Eximbank mua vào lên 22.860 - 22.880 đồng/USD và bán ra 23.060 đồng/USD; Vietcombank mua vào với giá 22.800 - 22.830 đồng/USD và bán ra 23.110 đồng/USD… Giá USD trên thị trường tự do giảm 20 - 80 đồng, mua vào còn 23.555 đồng/USD và bán ra 23.595 đồng/USD.

Giá USD tự do giảm

ngọc thắng

Các ngoại tệ khác trong ngân hàng tăng mạnh. Tại Vietcombank, giá euro tăng 190 đồng, mua vào lên 23.731 - 23.971 đồng, bán ra 25.061 đồng; đô la Úc tăng 330 đồng, mua vào lên 16.201 - 16.364 đồng, bán ra 16.892 đồng; đô la Canada tăng 138 đồng, mua vào 17.573 - 17.751 đồng, bán ra 18.323 đồng; france Thuỵ Sĩ tăng 130 đồng, mua vào 22.989 - 23.222 đồng, bán ra 23.971 đồng; bảng Anh tăng 254 đồng, mua vào 28.207 - 28.492 đồng, bán ra 29.411 đồng…

Giá vàng thế giới tăng vọt sau khi Mỹ nâng lãi suất

Đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế giảm nhẹ, chỉ số USD-Index giảm 0,22 điểm, xuống còn 103,22 điểm. Chiều xuống giá của USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,5%, lên 0,75 - 1%. Mức tăng 0,5% là lần đầu tiên trong 22 năm trong bối cảnh mức lạm phát của Mỹ cao nhất trong 40 năm. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi phù hợp. Tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) cho biết bắt đầu từ ngày 1.6, Fed sẽ giảm bảng cân đối chứng khoán 95 tỉ USD mỗi tháng. Chiến sự Nga - Ukraine, dịch Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc và tắc nghẽn chuỗi cung ứng là những nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng.

Lãi suất cho các khoản thế chấp, cho vay mua ô tô và các khoản vay dài hạn khác, thẻ tín dụng, các sản phẩm tín dụng ngắn hạn và các khoản cho vay đã tăng lên trước quyết định của Fed. Các quan chức Fed đang hy vọng giảm lạm phát bằng cách giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp thông qua lãi suất cao hơn.

Khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn, họ có thể ít sẵn sàng chi tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ thấp hơn có thể khiến các nhà cung cấp giảm giá và hạn chế kế hoạch chi tiền để mở rộng hoạt động. Trong khi các quan chức Fed đang đặt mục tiêu làm chậm nền kinh tế đủ để giảm lạm phát mà không ngừng tăng trưởng hoàn toàn, ngày càng nhiều nhà kinh tế lo ngại ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn tình trạng giá tăng mà không gây ra suy thoái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.