Ngày 6.4, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 1 đồng, xuống còn 23.601 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giảm giá USD thêm 20 đồng, Eximbank còn 23.220 - 23.300 đồng chiều mua vào, bán ra 23.600 đồng; Vietcombank mua vào còn 23.250 - 23.280 đồng, bán ra 23.620 đồng…
Giá mua USD của các ngân hàng thấp hơn Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước 200 đồng và bán ra thấp hơn 180 đồng. Lý do khiến đồng bạc xanh liên tục sụt giảm do nguồn cung trên thị trường gia tăng, trong khi nhu cầu ngoại tệ không cao.
Giá USD trên thị trường quốc tế sáng 6.4 tăng trở lại, chỉ số USD-Index tăng 0,32 điểm, lên 101,84 điểm. Những thông tin kinh tế Mỹ vừa công bố không mấy khả quan đã khiến đồng bạc xanh tăng giá. Chỉ số PMI dịch vụ do ISM công bố tháng 3 là 51,2, thấp hơn so với mức dự kiến 54,3 và kỳ trước. Các nhà đầu tư trên thị trường cũng cân nhắc đến báo cáo việc làm khu vực tư nhân của ADP. Báo cáo cho thấy, tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm lại trong tháng 3, tăng 145.000. Điều này cho thấy những nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để hạ nhiệt thị trường lao động cuối cùng cũng có tác dụng. Vào tháng 2, số lượng vị trí tuyển dụng tại Mỹ giảm xuống dưới 10 triệu việc, lần đầu tiên trong gần 2 năm.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3 đã làm nổi bật tác động tiêu cực mà việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế thực. Dữ liệu kinh tế kể từ khi được công bố cho thấy sự suy giảm trong hoạt động và niềm tin, với thông báo gần đây của OPEC+ về ý định cắt giảm sản lượng, có khả năng dẫn đến lạm phát và góp phần làm suy giảm thêm tâm lý nhà đầu tư.
Mặc dù một số diễn giả của Fed vẫn thảo luận về việc tăng lãi suất nhiều hơn, thị trường đang định giá khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tăng lên. Theo CME FedWatch Tool, có khoảng 50% cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 7.
Bình luận (0)