Sáng 6.7, tỷ giá trung tâm sụt giảm khi Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.175 đồng/USD, thấp hơn 15 đồng so với hôm qua. Giá USD tại một số ngân hàng thương mại cũng ổn định như ngân hàng Vietcombank vẫn mua vào 22.870 đồng/USD và bán ra 23.100 đồng/USD; Eximbank giữ nguyên giá mua vào 22.900 đồng/USD và bán ra 23.080 đồng/USD...
Giá USD tự do tiếp tục tăng dù ngân hàng thương mại hầu như đứng yên. Cụ thể giá USD tự do mua vào 23.340 và bán ra 23.420 đồng/USD, tăng 10 đồng ở chiều mua vào và tăng 20 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm 2021, tiền đồng đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (bath Thái Lan - THB giảm 6,9%; rupee của Indonesia - INR giảm 1,7%; đô la Singapore - SGD giảm 1,8%; PHP giảm 1,6%...). Dòng kiều hối và giải ngân FDI hiện tại vẫn khá tích cực nên đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa, tín dụng ngoại tệ cũng tăng cao nên cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index sáng 6.7 đứng ở mức 92,26 điểm, giảm nhẹ 0,04 điểm so với hôm qua. Đồng bạc xanh đã sụt giảm trong phiên đầu tuần sau khi báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ làm giảm bớt lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số lượng việc làm phi nông nghiệp của nước này đã tăng 850.000 trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5,9%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động được duy trì ổn định và vẫn ở mức thấp so với mức trước đại dịch. Theo khảo sát trước đó của Bloomberg cho bảng lương tháng 6, các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng chỉ 720.000 người. Nhu cầu về lao động vẫn mạnh mẽ khi các công ty cố gắng theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng mở rộng.
Trên thị trường, trái phiếu và chứng khoán đồng loạt tăng khi đồng bạc xanh đi xuống. Hiện tại, các nhà giao dịch đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed được công bố để có thêm thông tin về định hướng chính sách tiền tệ của cơ quan này.
Bình luận (0)