Sáng 6.9, tỷ giá trung tâm của VND so với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố 23.245 đồng/USD, tăng 18 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng cũng đồng loạt tăng như Eximbank cộng thêm 100 đồng, lên mức mua vào 23.410 đồng/USD và bán ra tăng 80 đồng, lên 23.670 đồng; ngân hàng Vietcombank tăng 70 đồng, đưa giá mua USD lên 23.370 đồng/USD và bán ra 23.680 đồng.
Trong khi đó, giá euro ở các ngân hàng biến động trái chiều dù thế giới lao dốc Chẳng hạn ngân hàng Eximbank tăng thêm 60 đồng ở chiều mua vào so với cuối tuần qua, lên 23.159 đồng/euro nhưng chỉ giảm 1 đồng ở chiều bán ra, lên 23.709 đồng/euro. Giá bán euro của ngân hàng Eximbank vẫn duy trì thấp hơn đồng USD.
Giá USD tăng cao vượt mặt euro |
Ngọc Thắng |
Trên thị trường quốc tế, đồng USD giảm nhẹ so với hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức cao với 109,43 điểm. Đồng euro đã rơi xuống dưới mức 1 USD trong phiên đầu tuần và sau đó nhích nhẹ nhưng vẫn thấp hơn. Hiện 1 euro quy đổi được 0,9972 USD.
Đồng bạc xanh đã lập mức đỉnh mới trong hai thập kỷ vào phiên đầu tuần này trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tích cực thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là sau khi công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tốt hơn mong đợi vào thứ sáu vừa qua. Nhiều dự báo đưa ra khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng 9 này.
Ở chiều ngược lại, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho đường ống chính của họ đến châu Âu, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng khi mùa đông đến gần. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã công bố kế hoạch đóng cửa đường ống Nord Stream đến Đức vào cuối tuần qua, sau khi các bộ trưởng tài chính G7 đồng ý về sự cần thiết phải áp đặt giới hạn giá đối với Nga.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nhóm họp vào cuối tuần này và nhiều người dự kiến sẽ tăng lãi suất do lạm phát khu vực đang nhanh chóng tiến tới mức hai con số. Nhưng ECB cũng đối diện với một cuộc khủng hoảng năng lượng làm gián đoạn nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế trong khu vực nên quá trình tăng lãi suất sẽ gây ra nhiều tranh cãi...
Bình luận (0)