Đầu ngày 27.5, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 10 đồng so với ngày trước đó, còn 23.260 đồng/USD. Nhưng giá USD tại một số ngân hàng thương mại trong nước tăng trở lại. Chẳng hạn Vietcombank tăng 20 đồng lên 23.200 - 23.410 đồng/USD; Eximbank cũng tăng 20 đồng lên 23.230 - 23.400 đồng/USD... Tỷ giá USD dù vậy vẫn đang ở mức thấp trong vòng 2 tháng qua và giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index còn 99,09 điểm, giảm 0,67 điểm so với ngày trước đó. Đồng USD trên thị trường quốc tế đi xuống khi nhà đầu tư bán ra nhiều hơn do lạc quan với nhiều thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ và vắc xin phòng ngừa bệnh Covid-19.
Dữ liệu công bố từ Conference Board vào ngày 26.5 về niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng từ 85,7 điểm trong tháng 4 lên 86,6 điểm trong tháng này, cao hơn so với dự báo 82,3 điểm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà ở mới trong tháng 4 cho hộ gia đình Mỹ tăng 623.000 nhà, cao hơn dự báo 490.000 nhà theo dữ liệu từ Dow Jones. Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 30.4 có hơn 100 vắc xin phòng ngừa Covid-19 đang được phát triển và nghiên cứu trên toàn cầu, trong đó ít nhất 8 ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng trên người.
Tâm lý nhà đầu tư lạc quan khiến việc rót tiền vào các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán, hàng hóa... gia tăng, thay vì nắm giữ các tài sản an toàn như USD hay vàng.
Điều đó cũng đẩy chứng khoán Mỹ nhảy vọt trong phiên 26.5. Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 529,95 điểm, tương đương 2,17% lên 24.995,11 điểm; S&P 500 cộng thêm 1,23% lên 2.991,77 điểm và Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,17% lên 9.340,22 điểm.
Bình luận (0)