Giá USD tăng vọt, lãi suất huy động hạ nhiệt

14/10/2022 06:30 GMT+7

Giá USD tăng lên mức kỷ lục vào chiều 13.10, trong khi đó thị trường lãi suất dịu lại. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền ra can thiệp thị trường nhưng lượng đã giảm hơn một nửa.

USD tăng vọt lập đỉnh, yen Nhật giảm sâu

Chiều 13.10, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng (NH) thương mại tăng vọt 110 đồng so với sáng cùng ngày, lên mức cao kỷ lục là 24.200 đồng/USD. Điển hình, Eximbank mua vào 23.930 đồng/USD và bán ra 24.200 đồng; Vietcombank mua vào với giá 23.890/USD và bán ra 24.200 đồng/USD… Giá bán USD của các NH cao hơn Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến 275 đồng. So với cuối năm 2021, giá USD tăng 1.300 đồng, tương ứng mức tăng 5,7%. Tỷ giá trên thị trường liên NH cũng tăng lên 23.100 đồng/USD.

Giá USD lên mức cao kỷ lục vào chiều 13.10

Ngọc Thắng

Nhiều ngoại tệ khác cũng đồng loạt tăng giá. Tại Eximbank, giá euro tăng 130 đồng, mua vào lên 23.059 - 23.128 đồng, bán ra 23.666 đồng; bảng Anh tăng 270 đồng, lên 26.324 - 26.403 đồng ở chiều mua vào, bán ra 27.017 đồng; đô la Úc tăng 120 đồng, mua vào 14.886 - 14.931 đồng, bán ra 15.294 đồng; đô la Canada tăng 60 đồng, mua vào 17.183 - 17.235 đồng, bán ra 17.636 đồng… Ngược lại, giá yen Nhật giảm mạnh. Tại Eximbank mua vào 161,9 đồng/yen và bán ra 166,03 đồng/yen. Tỷ giá này đã giảm khoảng 30 đồng so với cuối năm 2021, tương ứng mức giảm 15%, và đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 24 năm trở lại đây.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index vẫn duy trì trên mức 113 điểm. Nhưng nếu so với đồng yen Nhật, giá USD đã leo lên đỉnh mới. Có thời điểm đồng USD quy đổi 146,88 yen. 2 đồng tiền chạy ngược chiều nhau khi USD lên đỉnh còn đồng yen Nhật đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua, thấp hơn mức 145,9 yen đổi 1 USD trong tháng 9. Khi đó, NH Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã phải can thiệp bằng việc bơm gần 20 tỉ USD để mua vào đồng nội tệ. Đây là động thái can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998. Đồng tiền của Nhật Bản giảm mạnh sau khi Thống đốc NH Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Ông Kuroda cho biết nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 và vẫn chưa đạt được tốc độ lạm phát ổn định. Theo các nhà phân tích, phát biểu của ông Kuroda một lần nữa cho thấy BOJ sẽ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng của mình trong tương lai gần. Thị trường đang đặt câu hỏi rằng liệu BOJ có can thiệp một lần nữa để tăng giá đồng nội địa hay không? Một số nhà phân tích trên thế giới dự báo rằng từ nay đến quý đầu năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 1,5 điểm phần trăm nữa. Và điều này có thể khiến cho đồng yen Nhật tiếp tục lao dốc, đặc biệt là khi các chiến lược gia dự báo đồng USD sẽ tăng giá mạnh do hiệu ứng từ việc Fed nâng lãi suất…

Lượng tiền nhà nước bơm ra giảm một nửa, lãi suất đi xuống

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi xuống trong ngày 13.10 thêm 0,03 - 1%/năm so với ngày trước đó. Ở kỳ hạn qua đêm, các NH giao dịch với nhau lãi suất giảm hơn 1%, xuống còn 5,56%/năm; 1 tuần còn 6,48%/năm, 2 tuần còn 6,96%/năm, 1 tháng còn 7,3%/năm, 3 tháng còn 7,8%/năm… So với đầu tuần, lãi suất hiện nay đã giảm khoảng 3%/năm ở kỳ hạn qua đêm. Lượng tiền giao dịch tăng ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Trong ngày 12.10, doanh số giao dịch kỳ hạn qua đêm thêm 12.000 tỉ đồng, lên 227.417 tỉ đồng; kỳ hạn 1 tuần tăng thêm khoảng 5.000 tỉ đồng, lên 14.751 tỉ đồng.

NHNN tiếp tục bơm tiền ra qua thị trường mở hơn 10.637 tỉ đồng. 16 NH thành viên được bơm gần 10.000 tỉ đồng kỳ hạn 14 ngày; 2 thành viên nhận hơn 636 tỉ đồng kỳ hạn 7 ngày. Đây là phiên có lượng tiền thấp nhất được bơm ra thị trường trong tuần này. Tổng cộng 4 ngày qua NHNN đã bơm 84.994 tỉ đồng ra thị trường (tương đương hơn 3,51 tỉ USD).

Trong động thái mới đây, NHNN đã có công văn yêu cầu các NH thương mại kiểm soát tình hình thanh khoản nhằm đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả, phòng ngừa và hạn chế nguy cơ rủi ro trước các thông tin tiêu cực tác động đến hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các NH thương mại cổ phần nói riêng; Cơ quan Thanh tra giám sát NH yêu cầu các NH thương mại cổ phần tập trung kiểm soát rủi ro, cân đối hợp lý giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo khả năng thanh khoản. Theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản hằng ngày của NH nhằm kiểm soát các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định, đặc biệt là các tỷ lệ khả năng chi trả…

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng thực ra tỷ giá hiện nay không tăng quá mạnh. Thị trường cũng không nên trông chờ vào tỷ giá giảm trong bối cảnh hiện nay. Tỷ giá trong NH được phép tăng sẽ góp phần giảm thiểu chênh lệch giữa trong NH và thị trường chợ đen. Bên cạnh đó chênh lệch lãi suất lại là nguyên nhân dẫn đến tỷ giá tăng nếu lãi suất trong nước hạ nhiệt, còn lãi suất nước ngoài lên cao. Theo hiệu ứng fisher (sự chênh lệch kỳ vọng) quốc tế, việc lãi suất giảm và tỷ giá tăng là điều bình thường. Tỷ giá trong NH tăng thể hiện cầu về ngoại tệ vẫn khá căng thẳng và đặc biệt kinh tế đang bước vào giai đoạn quý 4, thời điểm nhu cầu ngoại tệ rất cao. Theo dự báo của ông Nguyễn Hữu Huân, tỷ giá sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm khi chịu 2 tác động là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu chuyển vốn về Mỹ hưởng lãi suất cao khi đồng USD mạnh lên.

Chứng khoán đi lên

Hôm qua (13.10), thị trường chứng khoán tiếp tục có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện nên lực bán cũng giảm mạnh. Đóng cửa, VN-Index tăng 16,18 điểm, tương ứng 1,56%, lên 1.050,99 điểm và HNX-Index tăng 1,31 điểm, tương ứng 0,59%, lên 224,74 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở lại ấn tượng với hai phiên bứt phá liên tiếp và trở thành "đầu tàu" dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Nhiều cổ phiếu đã kết phiên với biên độ tăng mạnh như ACB, BID, CTG và STB… Cổ phiếu thép cũng duy trì phong độ khá tốt sau phiên bứt phá. Nổi bật nhất là HPG khi tăng 4,3%, sau đó là HSG tăng 1,8%, SMC cộng 1,44%... Tuy nhiên, thanh khoản lại tiếp tục giảm mạnh dưới 10.000 tỉ đồng trên sàn TP.HCM (HOSE), nhưng giao dịch của khối ngoại lại nổi bật khi phiên này mua ròng gần 464 tỉ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua ròng 450 tỉ đồng trên HOSE. Ngược lại, giá trị giao dịch trên phái sinh tăng vọt với hơn 51.000 tỉ đồng, gấp 5 lần chứng khoán cơ sở.

Thực tế, triển vọng dài hạn của chứng khoán VN vẫn được đánh giá hấp dẫn, đặc biệt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của VN có thể đạt 7,8% năm 2022, định giá thị trường hấp dẫn với P/E forward 2022 của VN-Index ở mức 10 lần với tăng trưởng EPS 17%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.