Sáng 10.3, giá vàng miếng SJC tại cửa hàng Mi Hồng (TP.HCM) mua vào 67 triệu đồng/lượng và bán ra 69,5 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày hôm qua, vàng miếng giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Điều này đẩy chênh lệch giữa giá mua và bán nhảy vọt lên 2,5 triệu đồng mỗi lượng. Chỉ sau 2 ngày, mỗi lượng vàng SJC đã "bốc hơi" gần 5 triệu đồng/lượng sau khi lên mức kỷ lục trên 74 triệu đồng/lượng. Còn với những người đã mua vàng với giá trên đỉnh thì đến nay đã lỗ hơn 7 triệu đồng mỗi lượng do cộng thêm chênh lệch giá mua và bán đang khá cao.
Người mua vàng cách nay 2 ngày nay đã lỗ khoảng 7 triệu đồng/lượng |
ĐÀo Ngọc Thạch |
Giá vàng thế giới cũng quay đầu đi xuống. Đầu ngày 10.3, kim loại quý đang xoay quanh mức 1.989 USD/ounce, giảm hơn 50 USD so với hôm qua. Quy đổi hiện nay vàng thế giới tương đương 55 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Giá vàng trong nước giảm nhanh hơn đã kéo chênh lệch với thế giới xuống còn 14,5 triệu đồng/lượng thay vì cao hơn 18 triệu đồng/lượng như đầu tuần.
Sau khi leo cao, giá vàng đã giảm mạnh hơn 3% trong phiên giao dịch 9.3 vì giá dầu đảo chiều giúp các tài sản rủi ro hơn phục hồi. Đồng thời, lượng nhà đầu tư chốt lời gia tăng cũng đẩy giá vàng đi xuống. Nhưng theo một số chuyên gia phân tích, nếu sự bất ổn hiện tại về mặt địa chính trị tiếp tục, rất có thể thị trường sẽ ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại mới đối với kim loại quý. Đó là những lo ngại gia tăng xoay quanh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, với việc Mỹ và Anh tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Moscow. Thậm chí, một số nhà phân tích còn dự báo giá vàng có thể tiến tới mốc 3.000 USD/ounce trong bối cảnh căng thẳng vẫn leo thang.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ báo cáo CPI của Mỹ sẽ công bố trong hôm nay. Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát trong tháng 2 của nước này có khả năng đã tăng nhanh và còn lâu mới đạt đến đỉnh. Thị trường dự đoán chỉ số CPI hằng năm ở mức 7,9% vào tháng 2 sau khi tăng lên mức cao nhất trong 40 năm là 7,5% vào tháng 1.
Bình luận (0)