Giá vàng hôm nay 1.11.2022: Tại sao giảm giá 7 tháng liên tiếp nhưng vẫn chưa thể mua vào ?

01/11/2022 09:22 GMT+7

Kết thúc tháng 10, giá vàng miếng SJC tăng, ngược chiều giảm giá kim loại quý quốc tế. Vàng thế giới ghi nhận 7 tháng giảm giá liên tiếp, là chuỗi giảm dài nhất trong 5 thập kỷ qua nhưng theo các chuyên gia, vẫn chưa thể đổ tiền vào kim loại quý đợi sinh lời lúc này.

Giá vàng miếng SJC ngày 1.11 giảm nhẹ 100.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào còn 65,9 triệu đồng, bán ra 66,7 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 66 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng… Kết thúc tháng 10, giá vàng miếng tăng 500.000 đồng/lượng. Điều này hoàn toàn trái ngược với đà giảm giá của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân việc tăng giá của vàng trong nước đến từ giá USD tăng cao. Trong tháng 10, giá USD trong ngân hàng đã tăng 870 đồng, tương ứng 3,6%, lên 24.880 đồng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 17,66 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC cao hơn quốc tế 17,6 triệu đồng/lượng

txuân

Sáng 1.11, giá vàng thế giới giảm 5 USD/ounce so với chiều 31.10, xuống còn 1.635 USD/ounce. Kết thúc tháng 10, giá kim loại quý giảm 1,4%, gánh chịu đà giảm giá 7 tháng liên tiếp - chuỗi giảm dài nhất trong hơn 5 thập kỷ. Và đây là thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp công bố đợt tăng lãi suất 0,75% lần thứ tư liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, vàng giảm khoảng 10%. Kể từ cuối tháng 3, vàng đã giảm hơn 15%. Sau khi đạt đỉnh trên 2.000 USD/ounce vào tháng 3 trước sự căng thẳng quân sự của Nga và Ukraine, vàng đã cố gắng duy trì mức tăng. Thế nhưng vẫn không thể thoát khỏi xu hướng giảm khi đồng đô la Mỹ mạnh và lợi tức trái phiếu kho bạc cao hơn đang đè nặng lên kim loại quý.

Vàng giảm mạnh nhưng nhìn trên cục diện, xu hướng giảm vẫn còn tiếp tục.

Các thành viên tham gia thị trường đang chờ đợi kết quả của cuộc họp Uỷ ban thị trường Mở (FOMC) tháng 11 của Fed bắt đầu vào thứ ba và kết thúc vào thứ tư. Kết luận sẽ được đưa ra sau tuyên bố của FOMC cùng với cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell và có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất 0,75% tiếp theo...

Tại châu Âu, dữ liệu sơ bộ từ văn phòng thống kê cho thấy lạm phát ở mức 10,7% hàng năm trong tháng này. Khối 19 thành viên đã phải đối mặt với giá cả cao hơn, đặc biệt là năng lượng và thực phẩm, trong 12 tháng qua. Một số quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã vượt mức lạm phát 10% như Ý tăng trên 12% trong tháng này; Đức chạm mức 11,6%... Những thông tin này chắc chắn sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu chuyển hướng chính sách tiền tệ theo hướng tăng lãi suất lớn hơn trong những tháng sắp tới để cố gắng kiềm chế lạm phát đang gia tăng ở châu Âu.

Những đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước là yếu tố không mấy hỗ trợ kim loại quý tăng giá, đặc biệt là Fed. Với lãi suất USD ngày càng tăng khiến đồng USD mạnh lên và đây là yếu tố giúp vàng không thể tăng giá.

Đó là lí do dù đà giảm kéo dài tới 7 tháng nhưng các chuyên gia vẫn khá thận trọng trước câu hỏi có nên đổ tiền vào vàng lúc này mong sinh lời trong ngắn hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.