Thị trường vàng ảm đạm khiến giá vàng trong nước không sôi động như thế giới. Giá vàng miếng SJC sáng 15.3 giảm nhẹ 50.000 đồng, Eximbank mua vào 66,25 triệu đồng/lượng, bán ra 66,75 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào còn 66 triệu đồng/lượng, bán ra 66,9 triệu đồng… Vàng nữ trang 4 số 9 giảm nhẹ, mua vào còn 54 triệu đồng/lượng, bán ra 54,9 triệu đồng. Vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới lên 12,3 triệu đồng/lượng, trong khi nữ trang có giá mua thấp hơn 600.000 đồng/lượng, bán ra cao hơn 300.000 đồng.
Giá vàng sáng 15.3 giảm nhẹ 1 USD/ounce so với chiều 14.3, xuống 1.903 USD/ounce. Tuy nhiên trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 14.3), kim loại quý đã tăng giảm liên tục trong biên độ từ 1.895 - 1.915 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tại Mỹ tăng 0,5% trong tháng 2 vừa qua, nối tiếp đà tăng của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,4% theo dự báo. Trong khi CPI toàn phần cũng tăng 0,4%, sau khi tăng 0,5% trong tháng 1. So với cùng kỳ năm 2022, CPI toàn phần và CPI lõi lần lượt tăng 6% và 5,5%, kết quả thống kê tháng 1 là 6,4% và 5,6%. Sau khi các chỉ báo trên được công bố, công cụ của CME dự báo 30% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất cơ sở trong cuộc họp cuối tháng này và có tới 70% khả năng sẽ tiếp tục tăng 0,25%.
Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ tạo ra tâm lý thị trường giảm giá đối với giá vàng. Tuy nhiên, lạm phát cao hơn có tác động ngược lại, tạo ra tâm lý lạc quan trên thị trường đối với vàng. Giá vàng hiện vẫn đang trụ trên 1.900 USD/ounce.
Bình luận (0)