Ngày 1.7, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm 100.000 đồng so với sáng hôm qua, xuống còn mua vào 66,35 triệu đồng/lượng và bán ra 66,95 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn SJC lại tăng 100.000 đồng, đưa giá mua lên 55,3 triệu đồng, bán ra 56,3 triệu đồng. Dù tăng ngược nhưng vàng nhẫn SJC vẫn thấp hơn 10,7 triệu đồng mỗi lượng so với vàng miếng cùng thương hiệu.
Giá vàng thế giới hồi phục trở lại lên 1.920,8 USD/ounce, tăng 11 USD so với sáng hôm qua. Kim loại quý tăng sau khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 5 - chỉ số ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 4,3% hồi tháng 4.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ thận trọng hơn trong việc nâng lãi suất vào tháng 7 tới, với khả năng từ gần 90% có thể nâng lãi suất trước đó đã hạ xuống còn 84%.
Tuy nhiên, giá vàng đã giảm 2,5% trong quý 2/2023, bất chấp đã đạt sát mức cao nhất mọi thời đại là 2.072 USD/ounce vào tháng 5 do nhà đầu tư lo ngại về tình hình ngành ngân hàng tại Mỹ. Thậm chí, kim loại quý đã rớt dưới mốc 1.900 USD/ounce vào ngày 29.6 vừa qua khi đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Khả năng Mỹ tiếp tục nâng lãi sẽ đặt ra thách thức đối với vàng do là tài sản không mang lại lợi suất.
Ngược lại, thị trường chứng khoán Mỹ có một tháng tăng cao. Cụ thể, trong cả tháng 6, chỉ số S&P 500 tăng vọt 6,5%, ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10.2022; Nasdaq Composite cộng thêm 6,6% và Dow Jones tăng 4,6%, đánh dấu tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 11.2022. Tính chung cả quý 2/2023, S&P 500 đã nhảy vọt 8,3%, chứng kiến quý tăng thứ 3 liên tiếp và là quý tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2021. Tăng cao nhất là Nasdaq Composite bứt phá 12,8%, cũng ghi nhận 2 quý tăng liên tiếp trong khi Dow Jones tiến 3,4% và đánh dấu quý tăng thứ 3 liên tiếp...
Bình luận (0)