Sáng 19.3, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra 67,5 triệu đồng. So với cuối tuần trước, vàng miếng SJC tăng 600.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng ở chiều bán ra. Như vậy, chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC cộng thêm 100.000 đồng, lên 900.000 đồng/lượng.
Đáng chú ý, vàng nhẫn 4 số 9 của SJC tăng cao hơn vàng miếng. Cụ thể SJC mua vào 55,1 triệu đồng, bán ra 56,15 triệu đồng, tăng từ 1,3 - 1,35 triệu đồng sau một tuần. Chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng nhẫn cũng tăng thêm 50.000 đồng, lên 1,05 triệu đồng mỗi lượng. Vàng nhẫn tiếp tục tăng cao hơn vàng miếng cộng thêm chênh lệch mua bán cũng nhiều hơn khiến người mua vàng nhẫn gặp nhiều rủi ro.
Giá vàng quốc tế tăng mạnh trong tuần, lên 1.990 USD/ounce, cao hơn 33 USD so với cuối tuần trước. Giá vàng tiếp tục ghi nhận thêm một tuần tăng cao khi nhà đầu tư gia tăng mua vào sau vụ 2 ngân hàng phá sản tại Mỹ. Đặc biệt, kim loại quý tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày cuối tuần (17.3) khi làn sóng khủng hoảng ngân hàng làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Giá USD và chứng khoán tại Mỹ cũng đi xuống, góp phần đẩy giá vàng đi lên.
Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia lẫn nhà đầu tư đều tiếp tục có cái nhìn lạc quan về đà tăng của vàng. Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco News với 22 nhà phân tích Phố Wall tham gia có 9 người, chiếm 41% nhận định vàng sẽ tiếp tục tăng, 5 người, tương ứng 23% cho rằng giá vàng sẽ giảm. Còn lại 8 nhà phân tích, tương đương 36% dự báo kim loại quý sẽ đi ngang.
Bên cạnh đó, cuộc thăm dò trực tuyến Main Street tuần này thu hút 707 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì có 445 người, chiếm 63% nhận định giá vàng tăng. Còn 169 người, tương đương 24% đưa ra quan điểm ngược lại và 93 nhà đầu tư còn lại, tương ứng 13% nhận định kim loại quý sẽ đi ngang.
Bình luận (0)