Sáng 28.3, giá vàng trong nước đồng loạt tăng. Chẳng hạn, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng miếng với giá 79,1 triệu đồng/lượng và bán ra 81,1 triệu đồng. So với sáng hôm qua, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 800.000 đồng. Tương tự, Ngân hàng Eximbank tăng 500.000 đồng so với hôm qua khi mua vào lên 78,8 triệu đồng, bán ra 80,5 triệu đồng; Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng 800.000 đồng, đưa giá mua lên 78,8 triệu đồng và bán ra lên 80,9 triệu đồng…
Vàng nhẫn 4 số 9 được Công ty SJC mua vào 68,3 triệu đồng, bán ra 69,55 triệu đồng, tăng 150.000 đồng ở chiều mua nhưng chỉ tăng 50.000 đồng ở chiều bán ra; PNJ tăng 100.000 đồng khi mua vào 68,3 triệu đồng, bán ra 69,5 triệu đồng… Chênh lệch giữa giá mua bán vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng trong khi vàng nhẫn là 1,25 triệu đồng một lượng.
Biến động vàng ngày 28.3: Giá vàng miếng SJC đột ngột tăng gần 1 triệu đồng
Giá vàng thế giới tăng 11 USD/ounce so với hôm qua, lên 2.189 USD/ounce. Giá vàng tăng trở lại trong khi nhà đầu tư chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai (29.3). CNBC dẫn lời của chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo đến từ UBS cho biết, các ngân hàng trung ương tiếp tục báo cáo việc mua vàng liên tục, do mong muốn đa dạng hóa dự trữ tiền tệ của họ.
Trong báo cáo mới đưa ra, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá hàng hóa sẽ tăng trong năm 2024 khi các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu chuyển sang hạ lãi suất, giúp hỗ trợ nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng. Nhiều hàng hóa đã có mức tăng lớn trong quý đầu tiên của năm 2024, trong đó giá dầu thô tăng mạnh, vàng đạt kỷ lục và đồng chạm mức 9.000 USD/tấn. Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ trong môi trường không suy thoái sẽ dẫn đến giá hàng hóa cao hơn, trong đó giá kim loại (đặc biệt là đồng và vàng) tăng mạnh nhất, tiếp theo là dầu thô...
Bình luận (0)