Giá vàng hôm nay 3.2.2021: Giá giảm, có nên mua ‘lướt sóng’ ngày Thần tài?

03/02/2021 09:29 GMT+7

Ngày 3.2, giá vàng trong nước giảm thêm 50.000 đồng/lượng. So với mức giá cao nhất ghi nhận trong tuần thì vàng đã "bốc hơi" 400.000 đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào vàng miếng SJC còn 56,3 triệu đồng/lượng và bán ra 56,8 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji bán ra còn 56,7 triệu đồng/lượng và mua vào 56,25 triệu đồng/lượng… Thị trường vàng trong nước không mấy sôi động nhưng giới kinh doanh vàng đã bắt đầu tính “gom” hàng chờ “đánh sóng” ngày Thần tài (mùng 10 Tết Nguyên đán). Hằng năm, nhu cầu mua vàng của người dân ngày này tăng cao đã đẩy giá vàng trong nước tăng không theo giá thế giới. Chính vì điều này mà những ngày qua, giá vàng thế giới dù có giảm, giá trong nước giảm nhưng vẫn cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng và ngày 3.2 tăng lên 5,5 triệu đồng/lượng. Bài học kinh nghiệm năm 2020 là giá vàng trong nước giảm mạnh ngay trong ngày Thần tài khiến nhiều người lỗ.
Vàng thế giới sáng ngày 3.2 đã giảm 12 USD/ounce, còn 1.838,5 USD/ounce. Thông tin về gói hỗ trợ kinh tế của Mỹ đã kéo vàng giảm sâu. Tổng thống Mỹ Joe Biden và một nhóm 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã có cuộc thảo luận về việc thu hẹp chương trình cứu trợ Covid-19. Ông Biden cho rằng gói kích thích nhỏ hơn sẽ không thể đi đủ xa để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 và kiên quyết giữ nguyên mức 1.900 tỉ USD mà ông đã đề xuất vào tháng 1. Đảng Dân chủ đã đệ trình Quốc hội dự luật ngân sách trị giá 1.900 tỉ USD vào đầu tuần.
Mặc dù vàng giảm nhưng nhà phân tích kim loại quý - bà Suki Cooper của Standard Chartered nhận định: “Chúng tôi tin rằng rủi ro giá còn tăng lên. Môi trường vĩ mô vẫn hỗ trợ giá cao hơn do dự báo USD yếu hơn, lợi suất thực tế âm, nhiều kích thích hơn, chính sách tiền tệ ôn hòa và kỳ vọng lạm phát gia tăng”.
Nhu cầu vàng vật chất bắt đầu tăng trở lại trong quý 4/2020 ở các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ. Con số mua ròng đã giảm xuống 272,9 tấn năm 2020 từ mức cao nhất trong 52 năm là 668,5 tấn năm 2019. Bà Cooper lưu ý: "Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vào năm 2021 với khối lượng gần mức năm 2020 hơn là năm 2019, do mong muốn tiếp tục đa dạng hóa, nhưng nhu cầu thanh khoản có thể thúc đẩy bán và giới hạn việc mua ròng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.