Giá vàng miếng ngày 16.4 trong nước biến động trái chiều. Tại hệ thống Doji ở Hà Nội, vàng miếng giảm 200.000 đồng, còn 47,6 - 48,3 triệu đồng/lượng. Ngược lại, vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý TP.HCM (SJC) lại tăng nhẹ 50.000 đồng, giá mua vào 47,55 triệu đồng/lượng và bán ra 48,35 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, kết thúc phiên giao dịch ngày 15.4, hợp đồng vàng giao tháng 6 rớt 28,70 USD, tương đương 1,6% xuống 1.740,2 USD/ounce. Riêng giá vàng giao ngay đầu ngày 16.4 vẫn chưa biến động nhiều khi xoay quanh mức 1.717 USD/ounce.
Giá vàng đã giảm sau khi đạt mức đỉnh trong 7 năm và duy trì sắc đỏ sau dữ liệu kinh tế ảm đạm. Doanh số bán lẻ trong tháng 3 của Mỹ đã giảm kỷ lục 8,7%, đánh dấu tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1992.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn tiếp nhận một loạt báo cáo kinh tế Mỹ, bao gồm chỉ số các điều kiện kinh doanh Empire State của New York trượt xuống mức -78.2 trong tháng 4, đánh dấu mức thấp kỷ lục. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 15.4 cũng nhận định có thể chứng kiến năm tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại đối với thị trường dầu mỏ. Điều này đẩy giá dầu thô lao xuống dưới 20 USD/thùng...
Trên CNBC, Marshall Gittler - Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại BDSwiss Group cho rằng khi thị trường mang tâm lý e ngại rủi ro, các nhà đầu tư tổ chức sẽ bán mọi thứ mà không được Chính phủ bảo đảm. Một số chuyên gia phân tích dường như lạc quan về triển vọng dài hạn của kim loại quý. Mặc dù giá vàng đã giảm, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank tin rằng vàng có thể đạt mức 1.800 USD/ounce vào cuối năm.
Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống sau thông tin doanh số bán lẻ nước này được công bố. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15.4, chỉ số Dow Jones rớt 445,41 điểm, tương đương 1,86% xuống 23.504,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,2% còn 2.783,36 điểm và Nasdaq Composite giảm 1,44% xuống 8.393,18 điểm. Cổ phiếu Bank of America sụt hơn 6% sau báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng hay cổ phiếu Citigroup rớt hơn 5%...
Bình luận (0)