Giá vàng ngày 30.3 : Giá vẫn tăng dù nhiều cửa hàng đóng cửa chống dịch

30/03/2020 08:45 GMT+7

Vàng miếng SJC tăng giảm bất thường giữa các đơn vị kinh doanh khi các cửa hàng tạm đóng cửa chống dịch Covid-19. Giá thế giới tăng giảm theo hình “răng cưa” lên xuống khó dự báo.

Eximbank tăng giá vàng miếng SJC mỗi lượng 200.000 đồng ở chiều mua vào, lên 47 triệu đồng/lượng, bán ra lên 47,7 triệu đồng/lượng. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giữ giá mua vào 46,8 triệu đồng/lượng, bán ra 47,95 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji giảm giá vàng miếng 100.000 đồng/lượng, mua vào còn 47 triệu đồng/lượng, bán ra 47,8 triệu đồng/lượng.
Các hoạt động trên thị trường vàng chậm lại khi nhiều công ty thông báo tạm dừng hoạt động các cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước thực hiện chống dịch Covid-19. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) dừng 38 cửa hàng tại Hà Nội, 20 cửa hàng tại TP.HCM và 6 cửa hàng ở các tỉnh thành khác. Tập đoàn Doji tạm dừng hoạt động 44 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Một số cửa hàng của Doji duy trì hoạt động nhưng thay đổi thời gian mở cửa và đóng.
Vàng thế giới mở cửa ngày 30.3 giảm 9 USD/ounce so với giá cuối tuần qua, xuống 1.620 USD/ounce. Kim loại quý đã tăng giảm liên tục đầu ngày 30.3 trong biên độ rộng 1.613 - 1.645 USD/ounce. Kim loại quý từ mức 1.629 USD/ounce tăng lên 1.645 USD/ounce rồi nhanh chóng lao nhanh xuống 1.613 USD/ounce trước khi quay lại mức 1.628,5 USD/ounce (xấp xỉ mức giá đóng cửa cuối tuần qua). Vàng tăng giảm ngược chiều so với sự biến động của USD. Đồng bạc xanh đã tăng giá trở lại so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-index tăng 0,3 điểm, lên 98,6 điểm.
Trong tuần qua, vàng tăng khoảng 11%, từ 1.482 USD lên 1.645 USD/ounce. Các nước đồng loạt cắt giảm lãi suất đồng thời bung ra các gói hỗ trợ kinh tế lên đến hàng nghìn tỉ USD, cao hơn nhiều so với gói hỗ trợ thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Các hoạt động bán tháo vàng bù lỗ cho hoạt động ký quỹ chứng khoán được chấm dứt, thay vào đó các nhà đầu tư mua mạnh vàng. Một yếu tố khác thúc đẩy giá vàng thời gian qua và sắp tới đến từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoán sẽ làm cho áp lực lạm phát và nợ công gia tăng. Con số nợ công thế giới hiện nay đã cao gấp 3 lần GDP, với hơn 250.000 tỉ USD. Dự báo những con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi các nước tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh số người bị lây nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 tăng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.