Dù sụt giảm vào cuối ngày hôm qua nhưng sáng nay 7.8, giá vàng trong nước quay trở lại trên 62 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng thêm 1 triệu đồng ở chiều mua vào đối với vàng miếng, lên 60,6 triệu đồng/lượng và tăng 800.000 đồng ở chiều bán ra lên 62,2 triệu đồng/lượng. Tương tự, hệ thống cửa hàng Doji ở Hà Nội cũng tăng thêm từ 300.000 - 500.000 đồng và giao dịch vàng miếng ở mức 59,8 – 61,4 triệu đồng/lượng so với cuối ngày trước đó... Chênh lệch giữa giá mua và bán của các công ty kinh doanh vàng bạc trong nước tiếp tục tăng cao lên 1,6 triệu đồng/lượng.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm vào tuần trước, nhưng vẫn còn 31,3 triệu người đang xin bảo trợ thất nghiệp vào giữa tháng 7. Trong khi đó, Washington vẫn đang bế tắc về gói hỗ trợ quy mô lớn.
Sức hấp dẫn của vàng đang ngày càng mạnh khi nhà đầu tư đối mặt với triển vọng phục hồi lâu hơn và đồng tiền bị mất giá, trong đó các ngân hàng bao gồm Goldman Sachs Group nâng dự báo giá vàng lên ngưỡng 2.300 USD/ounce. Mặc dù triển vọng của vàng vẫn tích cực, nhưng nhiều nhà phân tích nhận định khả năng điều chỉnh đang ngày càng tăng.
Theo nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff của Kitco Metals, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá vàng hay bạc đã gần tới ngưỡng đỉnh. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, các tín hiệu phân tích cho thấy thị trường vàng đang bị "quá mua" (overbought) - thuật ngữ chỉ giá trị giao dịch cao hơn giá trị thực - trong ngắn hạn và có thể sẽ được điều chỉnh giảm.
Cùng với sự đi lên của vàng, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày 6.8 khi nhóm cổ phiếu công nghệ bứt phá. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 185,46 điểm, tương đương 0,68% lên 27.386,98 điểm; S&P 500 cộng thêm 0,64% lên 3.349,16 điểm và Nasdaq Composite tăng 1% lên 11.108,07 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 ghi nhận 5 phiên leo dốc liên tiếp, và đây là lần đầu tiên Nasdaq Composite đóng cửa trên ngưỡng 11.000 điểm và là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của chỉ số này.
Bình luận (0)