Chưa hình thành "bong bóng" giá vàng
Đầu giờ chiều nay 8.4, giá vàng miếng SJC vượt qua mức giá 82 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào với giá 80,1 triệu đồng/lượng, bán ra 82,1 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 79,9 triệu đồng/lượng, bán ra 81,9 triệu đồng/lượng…
So với đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 7 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 7,4%. Nếu so với đầu năm 2020, giá vàng miếng SJC tăng 38 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng hơn 88,6%.
Sau khi lên như "diều gặp gió" vào buổi sáng 8.4, giá vàng nhẫn đã giảm khoảng 200.000 - 250.000 đồng mỗi lượng vào đầu giờ chiều.
Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng với giá 73,75 triệu đồng/lượng, bán ra 75,2 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 73,78 triệu đồng/lượng, bán ra 75,18 triệu đồng/lượng…
Mức giá bán ra vượt 75 triệu đồng/lượng cũng là con số kỷ lục của vàng nhẫn đến thời điểm hiện tại. So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 11 - 11,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng quốc tế đang đứng ở mức cao lịch sử khi chạm 2.346 USD/ounce, tăng 300 USD/ounce so với đầu năm, tương ứng mức tăng 14,6%.
Cập nhật giá vàng ngày 8.4: Vàng nhẫn tăng 'sốc' lên gần 75,5 triệu đồng/lượng
Trước tình trạng giá vàng thế giới cũng như giá vàng nhẫn trong nước tăng mạnh từng ngày, có quan điểm lo ngại xảy ra tình trạng "bong bóng" giá vàng. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa thấy xuất hiện "bong bóng" giá vàng.
"Trên thị trường vàng thế giới, chưa ai dự báo là bong bóng giá vàng, nhu cầu còn rất lớn. Ở trong nước, có bong bóng hay không cũng rất khó xác đính. Vàng không phải là tài sản dễ nảy sinh bong bóng vì đây là tài sản có giá trị thực. Thời điểm hiện tại, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu nên cầu là cầu thực", ông Hiếu nhận định.
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 8.4, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: "Bong bóng có nghĩa là giá phản ảnh không đúng thực trạng. Ví dụ, bong bóng bất động sản là khi giả sử giá thực tế theo nhu cầu chỉ 10 triệu đồng/m2 nhưng lại bị đẩy lên 15 triệu đồng/m2. Nói hình thành bong bóng giá vàng tại thị trường trong nước ở thời điểm này là không có cơ sở, vì giá vàng đang tăng thực theo cung - cầu thị trường và theo giá vàng thế giới".
"Cần thành lập sàn giao dịch vàng càng sớm càng tốt"
Theo ông Hiếu, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới thời điểm hiện nay có nhiều điểm rất bất thường. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đang rất lưỡng lự trong quyết định có giảm lãi suất hay không. Giảm lãi suất là điều tốt cho nền kinh tế nhưng lại có thể làm bùng phát lạm phát. Fed càng lưỡng lự thì thị trường tài chính, chứng khoán, vàng càng biến động.
Ông Hiếu dự báo, chưa tới cuối năm nay, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 3.000 USD/ounce, khiến giá vàng nhẫn trong nước lên tới 80 triệu đồng/lượng.
"Thời gian tới, khi giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới sẽ tác động tới cả nền kinh tế vĩ mô. Thấy giá vàng lên ầm ầm, người dân sẽ lo sợ lạm phát tăng lên, từ đó dẫn đến hiện tượng té nước theo mưa, giá các loại hàng hóa cũng có thể bị điều chỉnh tăng", vị chuyên gia bày tỏ lo ngại.
Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhìn nhận, từ nay tới cuối năm giá vàng sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Trước kia, các dự báo cho rằng giá vàng thế giới năm 2024 sẽ tăng lên mức 2.400 USD/ounce, nhưng nay các dự báo đã thay đổi, đưa ra con số đỉnh của giá vàng năm nay ở mức khoảng 2.600 USD/ounce.
"Diễn biến giá vàng phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe và mức độ lạm phát của kinh tế thế giới. Nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng kéo giá vàng trong nước tăng theo, vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh còn chênh lệch tương đối lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là có thể gia tăng nhập lậu vàng, chảy máu ngoại tệ và thất thu thuế", ông Long nói.
Đồng quan điểm, ông Hiếu cũng nhấn mạnh: "Giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng nhẫn tăng cao; trong khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn lớn sẽ khuyến khích buôn lậu vàng, gây thất thoát ngoại tệ lớn. Cạnh đó, tỷ giá cũng bị ảnh hưởng, mất ổn định. Đây là điều cần hết sức lưu ý thời gian tới".
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng này, để bình ổn thị trường vàng, bên cạnh việc sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng theo hướng bỏ độc quyền vàng miếng SJC, "cần thành lập sàn giao dịch vàng càng sớm càng tốt". Khi đó, vấn đề đầu cơ vàng sẽ giảm đi nhiều, "hạ nhiệt" thị trường vàng.
Biến động vàng ngày 8.4: Bẫy giảm giá rình rập giá vàng
"Ngân hàng Nhà nước nên xem xét phát hành chứng chỉ vàng để hút khoảng 400 tấn vàng đang trong két sắt của người dân ra. Làm được điều này sẽ giúp thị trường vàng nhanh chóng hạ nhiệt", ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Nhắc tới câu chuyện cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố, cùng một lúc phải đồng bộ các giải pháp. "Phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng như chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh... trên một trung tâm giao dịch tập trung", ông Long nói.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến khác. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng…
Bình luận (0)