Giá vé máy bay tăng mạnh sau dịch Covid-19

15/07/2020 14:32 GMT+7

Sau thời gian giảm giá rất sâu để kích cầu đi lại bằng đường hàng không, giá vé máy bay đã tăng liên tục trong giai đoạn cao điểm du lịch hè khi học sinh được nghỉ học.

Cao điểm hè trùng với thời kỳ dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định khiến nhu cầu đi lại để du lịch tăng chóng mặt. Với chặng bay tới điểm du lịch đắt khách Phú Quốc, số lượng chuyến bay Hà Nội - Phú Quốc mỗi ngày của các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet xấp xỉ 10 chuyến, song giá vé rất cao.
Cụ thể, chặng Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines từ nay đến cuối tháng 7 giá vé xấp xỉ 2 - 4 triệu đồng/chiều hạng phổ thông. Sang tháng 8, giá vé giảm một chút nhưng vẫn ở mức rất cao so với thời điểm dịch, như chặng Hà Nội - Phú Quốc giảm 1,5 - 3 triệu đồng/chiều, chặng Hà Nội - Cam Ranh (Nha Trang) cũng có giá 1,5 - 3 triệu đồng/chiều hạng phổ thông.
Với Vietjet, giá vé cũng ở mức rất cao so với những mức khuyến mại siêu "khủng" 29.000 - 129.000 đồng thời điểm sắp hết dịch. Cụ thể, chặng bay Hà Nội - Phú Quốc cuối tháng 7 của hãng này có mức giá khứ hồi từ 2,5 - 4 triệu đồng.
Dù vậy, theo đánh giá, sự phục hồi giá vé của hàng không chỉ diễn ra ngắn hạn trong giai đoạn cao điểm hè tháng 7 và tháng 8. Sang tháng 9, dự báo giá vé máy bay sẽ hạ nhiệt nhanh do nhu cầu du lịch giảm mạnh, khi học sinh bắt đầu kỳ học mới.

Phú Quốc là một trong những điểm đến đông khách bay nhất hiện nay

Ảnh M.Hà

Hồi phục "mong manh"

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), doanh thu các hãng hàng không thế giới dự kiến giảm 419 tỉ USD và lỗ khoảng 84 tỉ USD trong năm 2020, trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương lỗ khoảng 29 tỉ USD. Các hãng hàng không Việt Nam cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề với số lỗ hàng nghìn tỉ đồng.
Tại một toạ đàm về hàng không hôm 13.7, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đã chia sẻ: "Chỉ có một câu ngắn gọn là tê liệt, đóng băng”. Sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế từ ngày 23.3, tính từ ngày 1.4 đến nay, Vietnam Airlines không có doanh thu vận tải hàng không quốc tế, khách quốc tế tháng 6 giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước.
Với thị trường nội địa, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và không có bệnh nhân nào tử vong, nhu cầu du lịch nội địa đã tăng trở lại nhưng sản lượng khách nội địa mới đạt 84% so với tháng 6.2019 và doanh thu tháng 6 năm nay chỉ bằng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Theo một chuyên gia hàng không, nếu nhìn vào cảnh tấp nập tại các sân bay từ đầu tháng 6 tới nay, rất dễ “lầm tưởng” ngành hàng không đã hồi phục sau Covid-19. Song trên thực tế, tổng sản lượng và cung ứng nói chung so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm một nửa.
Số lượng khách giảm 34% nhưng phần lớn là khách đường ngắn giá rẻ kích cầu, do đó so với sản lượng gốc giảm 53%. Để “cứu vãn” sự sụt giảm sâu doanh thu, trong 2 tháng trở lại đây, các hãng liên tục mở các đường bay mới từ các sân bay lẻ để thu hút thêm lượng khách từ các thị trường ngách.
Một tín hiệu khá tốt với thị trường là một số đường bay quốc tế thường lệ có thể mở lại sớm nhất từ đầu tháng 8 tới, song với tuần suất hạn chế 1 chuyến/tuần, rất khó kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi đột biến về doanh thu cũng như tăng trưởng chung cho các hãng hàng không. Theo dự báo, thị trường nội địa có thể quay về mức trước khi có dịch từ năm 2021, nhưng với thị trường quốc tế thì phải hết năm 2022, các đường bay dài như châu Âu, UK, Pháp, Đức mới hồi phục hoàn toàn.
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc được bay nội địa trở lại, hết giãn cách xã hội giúp hàng không nối lại được mạch sống, nhưng để có thể đạt đến điểm hoà vốn còn rất nhiều khó khăn.
“Còn quá sớm để có thể nói hàng không phục hồi được như trước. Đường bay quốc tế hiện chưa thể mở lại, hơn nửa đội máy bay vẫn đang phải nằm chờ đồng nghĩa với việc không có doanh thu, trong khi vẫn phải chi trả các chi phí quản lý, lương nhân viên…”, ông Thiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.